Lượt xem: 267
Các hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Ngày 12/6/2024 Hội đồng thẩm phát toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thuỷ sản, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Sau đây là trích dẫn áp dụng đối với một số hành vi trong thực tế thường xảy ra được nêu trong Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP người dân cần chú ý để tuyên truyền cho người thân làm nghề khai thác thuỷ sản tránh vi phạm dẫn đến bị truy tố.

Hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam

Người thực hiện hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh quy định tại Điều 347 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tình huống áp dụng: người chỉ huy cao nhất trên tàu cá không làm thủ tục xuất cảnh cho tàu cá, thành viên tàu cá và ngư dân theo quy định để thành viên tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.

Hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam

Người thực hiện hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép quy định tại Điều 348 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tình huống áp dụng: người chỉ huy, phân công, điều hành đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; tuyển ngư dân và đưa họ đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.

Hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Người thực hiện hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại Điều 242 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tình huống áp dụng: người sử dụng phương tiện (làm nghề), ngư cụ bị cấm để khai thác thuỷ sản, khai thác thuỷ sản trong khu vực cấm, khai thác thuỷ sản trong khu vực cấm có thời hạn, khai thác loài thuỷ sản bị cấm khai thác.

- Nghề, ngư cục bị cấm được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản.

TT

Nghề, ngư cụ cấm

Phạm vi

1

Nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc)

Vùng ven bờ; vùng nội địa

2

Nghề lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn, lừ)

Vùng ven bờ; vùng nội địa

3

Nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực)

Vùng ven bờ

4

Các nghề: đáy; xăm; chấn; xiệp; xịch; te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ.

Vùng ven bờ; vùng nội địa

5

Nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông).

Vùng lộng; vùng ven bờ; vùng nội địa

Ngư cụ bị cấm là những ngư cụ có kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung thuỷ sản nhỏ hơn quy định, đơn cử:

Tên loại ngư cụ

Kích thước mắt lưới quy định (2a (mm))

Rê trích

28

Rê thu ngừ

90

Lưới kéo hoạt động vùng lộng

34

Lưới kéo hoạt động vùng khơi

40

- Khu vực cấm khai thác có thời hạn quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022, đơn cử: khu vực vùng ven biển Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng Trong phạm vi đường nối các điểm có tọa độ:

C22a: (9°21'30"N, 106°10'20"E); C22b: (9°12'30"N, 106°14'30"E)

C22c: (9°06'30"N, 106°01'00"E); C22d: (9°16'30"N, 105°57'00"E)

Thời gian cấm khai thác: từ 01/11 - 30/11; từ 01/02-31/5 hàng năm

- Loài thủy sản cấm khai thác là loài thuỷ sản thuộc Nhóm I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, đơn cử: bộ san hô đá (Scleractinia, tất cả các loài), Cá mập đầu búa lớn (Sphyrna mokarran), Họ cá heo biển (Delphinidae, tất cả các loài trừ cá heo trắng trung hoa - Sousa chinensis).

Hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm

Người thực hiện hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tình huống áp dụng: người khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Điều 37 của Luật Đa dạng sinh học hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, đơn cử: Vích (Chelonia mydas,còn gọi là rùa xanh), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata).

Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm khai thác thủy sản trái phép

Người thực hiện hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tình huống áp dụng: người tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 02 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác trở lên nhằm mục đích khai thác thuỷ sản trái phép.

Hành vi dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản

Người thực hiện hành vi này bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tình huống áp dụng: người dùng thủ đoạn gian dối như hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép để mua, bán thì bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Nguyễn Văn A đánh bắt trái phép cá ngừ tại vùng biển Việt Nam nhưng làm hồ sơ, hợp thức hóa số cá ngừ nêu trên có nguồn gốc xuất xứ từ nước B để xuất khẩu đi nước C. Trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng.

Ngoài các hành vi nêu trên Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP còn hướng dẫn áp dụng đối với một số hành vi khác, để xem toàn văn nội dung Nghị quyết bạn đọc có thể truy cập vào trang Web thuvienphapluat.vn, luatvietnam.vn hoặc xem tại đây

Ảnh minh hoạ: tàu cá đậu tại Cảng cá Trần Đề

                                                                                               Trần Phùng Hoàng Quân

 Ảnh: phiên toà giả định xét xử hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật hình sự tại Sóc Trăng
Trần Phùng Hoàng Quân - Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1497973