Lượt xem: 4628
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT CHĂN NUÔI NĂM 2018 SO VỚI PHÁP LỆNH VỀ GIỐNG VẬT NUÔI NĂM 2004
PHẦN I: NHỮNG ĐIỂM MỚI
    Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 (Luật Chăn nuôi năm 2018) gồm 8 chương, 83 điều, ban hành ngày 19/11/2018 và sẽ có hiệu lực từ 01/012020, quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi. Dưới đây, xin nêu ra 7 điểm mới nhất của Luật Chăn nuôi so với Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004.
    1. Chăn nuôi là gì?
    Theo quy định tại Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 thì chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
    2. Nghiêm cấm bơm nước vào thịt gà, vịt nhằm gian lận thương mại
    Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi, thay vì 7 hành vi như trong Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004. Đáng chú ý là các hành vi cấm sau:
    - Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng;
    Nghiêm cấm bơm nước vào thịt gà, vịt nhằm gian lận thương mại
    - Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi (trong đó có lợn, gà, vịt,…) nhằm mục đích gian lận thương mại;
    - Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
    3. Phải gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ
    Điểm mới nổi bật của Luật Chăn nuôi 2018 so với Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 là việc quy định riêng một Mục tại Chương V về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Bao gồm những yêu cầu sau:
    - Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi;
    - Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện vận chuyển phù hợp, bảo đảm không gian thoáng mát, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống trên đường vận chuyển;
    - Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh, cung cấp đủ nước uống phù hợp cho vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ; Có hồ sơ về xuất xứ của vật nuôi bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của vật nuôi đưa vào giết mổ.
    4. Sớm di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép
    Lần đầu tiên Quốc hội đưa vào Luật Chăn nuôi 2018 quy định chính sách của Nhà nước về chăn nuôi. Điều 4 của Luật quy định, sẽ sớm di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.
    Tại Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018, hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường cũng là hành vi bị nghiêm cấm đầu tiên trong Luật.
    5. Tổ chức, cá nhân phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND xã
    Theo đó, Khoản 1 Điều 54 Luật Chăn nuôi 2018 quy định tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã.
    Quy định này được đưa vào quy định trong Luật nhằm kiểm soát được quy mô chăn nuôi và có quy hoạch cụ thể từng vùng. Theo đó, nghĩa vụ kê khai với UBND được đặt ra cụ thể với:
    - Tổ chức, cá nhân sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải kê khai đực giống (điểm a khoản 3 Điều 23);
    - Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 25);
    - Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 57).
    Đặc biệt, tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quy định loại, số lượng vật nuôi phải thực hiện kê khai, thời điểm kê khai và mẫu kê khai hoạt động chăn nuôi.
    6. Chuồng chăn nuôi nông hộ phải tách biệt nơi ở của người
    Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 không quy định các điều kiện cụ thể về quy mô chăn nuôi. Điều 52 Luật Chăn nuôi 2018 quy định quy mô chăn nuôi gồm có: Chăn nuôi trang trại (chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ); Chăn nuôi nông hộ.
    Bên cạnh 6 điều kiện chăn nuôi trang trại, Luật Chăn nuôi 2018 quy định chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng 3 yêu cầu sau đây:
    - Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;
    - Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
    - Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
    Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi 2018 còn quy định việc chăn nuôi trang trại phải có biện pháp xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi trang tại và nông hộ; Quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;… để từng bước kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giải quyết vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. 
    7. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi
    Đây là nội dung mới theo quy định tại Điều 11 Luật Chăn nuôi 2018. Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu nguồn gen vật nuôi, là một nội dung nhỏ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.
    Nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm:
    - Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi;
    - Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
    - Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi;
    - Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;
    - Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi.
PHẦN II: BỐ CỤC CỦA LUẬT CHĂN NUÔI 2018
    Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 (Luật Chăn nuôi năm 2018) gồm 8 chương, 83 điều, cụ thể như sau:
    - Chương I. Những quy định chung, gồm 12 điều (từ Điều 1 đến Điều 12), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động chăn nuôi; chính sách của Nhà nước về chăn nuôi; chiến lược phát triển chăn nuôi; hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi; ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi; hợp tác quốc tế về chăn nuôi; cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi.
    - Chương II. Giống và sản phẩm vật nuôi, gồm 3 mục, cụ thể:
    + Mục 1. Nguồn gen giống vật nuôi, gồm 5 điều, (từ Điều 13 đến Điều 17), quy định về quản lý nguồn gen giống vật nuôi; thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi; trao đổi và trình tự, thủ tục trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; vật nuôi biến đổi gen và nhân bản vô tính vật nuôi.
    + Mục 2. Sản xuất, mua bán giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi, gồm 8 điều (từ Điều 18 đến Điều 25), quy định về yêu cầu đối với giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường; danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi; xuất khẩu, trao đổi quốc tế giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi; điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi; điều kiện sản xuất, mua bán tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi, dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi; yêu cầu chất lượng của đực giống, cái giống trong sản xuất; quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi.
    + Mục 3. Khảo nhiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi, gồm 6 điều (từ Điều 26 đến Điều 31), quy định về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi; điều kiện cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi; kiểm định dòng, giống vật nuôi; nguyên tắc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới; công nhận dòng, giống vật nuôi mới; quyền và nghĩa vụ của cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi.
    - Chương III. Thức ăn chăn nuôi, gồm 20 điều (từ Điều 32 đến Điều 51), quy định về yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường; công bố thông tin sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc; công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung; thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung; công bố sản phẩm thức ăn chăn nuôi khác; khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi; điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi; điều kiện mua bán thức ăn chăn nuôi; nhập khẩu, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi; kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi; lấy mẫu và thử nghiệm thức ăn chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh; ghi nhãn thức ăn chăn nuôi; quảng cáo thức ăn chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, của cơ sở mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, của tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi và của cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi.
    - Chương IV. Điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, gồm 2 mục, cụ thể:
    + Mục 1. Điều kiện cơ sở chăn nuôi, gồm 7 điều (từ Điều 52 đến Điều 58), quy định về quy mô chăn nuôi; đơn vị vật nuôi và mật độ chăn nuôi; kê khai hoạt động chăn nuôi; chăn nuôi trang trại; chăn nuôi nông hộ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chăn nuôi; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
    + Mục 2. Xử lý chất thải chăn nuôi, gồm 14 điều (từ Điều 50 đến Điều 63), quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại; xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ; xử lý tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi; quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.
    - Chương V. Chăn nuôi động vật khác và đối xử nhân đạo với vật nuôi, gồm 02 mục, cụ thể:
    + Mục 1. Chăn nuôi động vật khác, gồm 5 điều (từ Điều 64 đến Điều 68), quy định về quản lý nuôi chim yến; quản lý nuôi ong mật; quản lý nuôi chó, mèo; quản lý nuôi hươu sao; quản lý chăn nuôi động vật khác.
    + Mục 2. Đối xử nhân đạo với vật nuôi, gồm 04 điều (từ Điều 69 đến Điều 72), quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi; đối xử nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu khoa học và hoạt động khác.
    - Chương VI. Chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi, gồm 6 điều (từ Điều 73 đến Điều 78), quy định về giết mổ vật nuôi; mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi; bảo quản sản phẩm chăn nuôi; dự báo thị trường sản phẩm chăn nuôi; xuất khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi.
    - Chương VII. Quản lý nhà nước về chăn nuôi, gồm 03 điều (từ Điều 79 đến Điều 81), quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội.
    - Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm Điều 82 và Điều 83, quy định về Hiệu lực thi hành và Quy định chuyển tiếp.
Phạm Minh Tú - Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1338507