Lượt xem: 1326
Một số giải pháp phòng chống và khôi phục sản xuất trồng trọt sau bão số 9 (RAI)
Theo tin nhận định ban đầu của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới cách bờ biển phía Nam Phi-lip-pin khoảng 2.000km về phía Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Khoảng ngày 16-17/12, bão đi vào khu vực phía Nam biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021 (tên quốc tế RAI), ảnh hưởng đến khu vực giữa và Nam biển Đông. Ngày 19-20/12, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
    Hiện nay, diện tích lúa trên đồng 106.761 ha, giai đoạn sinh trưởng từ mạ đến trổ chín, trong đó diện tích trổ chín gần 59.500 ha, còn khoảng 67.726 ha đang tiếp tục gieo sạ và dự kiến dứt điểm vào đầu tháng 01/2022. Diện tích rau màu các loại trên đồng là 6.817 ha, nông dân đang tích cực xuống giống để chuẩn bị sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Diện tích cây ăn trái toàn tỉnh 30.200 ha với đa dạng các loại cây ăn trái tập trung tại Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Châu Thành,…
Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra và khôi phục sản xuất sau bão, hạn chế tối đa thiệt hại cho sản xuất trồng trọt, bà con cần quan tâm thực hiện một số biện pháp sau:
1. Một số biện pháp thực hiện trước mưa bão:
    - Đối với diện tích lúa, rau màu đã đến thời điểm thu hoạch:
    + Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu và lúa Mùa, Thu Đông, Đông Xuân sớm đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa bão và sâu bệnh hại gây ra.
    + Khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao đê bao, bờ bao, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
    - Đối với diện tích rau màu, lúa vụ Đông Xuân chính vụ chuẩn bị xuống giống và mới xuống giống:
    + Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có kế hoạch ngâm ủ giống và gieo sạ tránh mưa bão.
    + Thực hiện các biện pháp che chắn bằng rơm rạ, lưới đối với rau; Củng cố đê, bao bờ bao chắc chắn, nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy tránh ngập úng.
    - Đối với các vườn cây ăn quả đã đến thời kỳ thu hoạch đề nghị tập trung thu hoạch sớm, cắt tỉa bớt để cây được thông thoáng (quả, cành vượt, cành đan chéo nhau); cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã; đối với cây đang mang trái nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ.
    2. Một số biện pháp khắc phục sau mưa bão:
    - Đối với diện tích lúa bị đổ ngã, cần khẩn trương bơm tiêu thoát nước để tránh ngập úng thời gian dài làm hư bông lúa và tạo thuận lợi cho việc thu hoạch bằng máy. Chú ý bơm nước ra từ từ và không bơm cạn tránh lúa ngã rạp. Đối với những vùng trũng, ngập sâu khó khăn trong việc tiêu thoát nước cần huy động lực lượng thu hoạch bằng tay.
    - Đối với diện tích chuẩn bị xuống giống tập trung bơm tát để xuống giống kịp thời vụ.
    - Đối với diện tích lúa non bị ngập úng không nên rút cạn nước, mà để mực nước từ 1 - 3cm, sử dụng phân bón có tác dụng kích thích rễ mới ra, làm giảm ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ trên lúa, giúp lúa mau đẻ nhánh.
    - Đối với diện tích rau màu sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...
    - Đối với vườn cây ăn trái đang ngập úng cần tiến hành đào rãnh ngay, khơi thông dòng chảy, bơm thoát nước. Đối với những vườn đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.
    - Đối với những vườn cây đang đậu trái non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn,… để tránh hiện tượng nứt, rụng trái.
    - Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại bằng loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây.
Vương Bích Vân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1332345