Lượt xem: 331
Một số quy định cơ bản về kinh doanh giống cây trồng,. giống vật nuôi
Trong sản xuất nông nghiệp giống cây trồng, giống vật nuôi là vật tư đầu vào có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất của người dân, lựa chọn được cây giống, con giống tốt sẽ góp phần cho vụ nuôi, trồng thắng lợi. Hiện nay hệ thống đại lý kinh doanh cây, con giống cơ bản đáp ứng nhu cầu của người trồng trọt, chăn nuôi trong tỉnh. Hoạt động kinh doanh giống cây trồng, giống vật nuôi phải tuân thủ theo quy định của pháp luật nhằm tránh thiệt hại cho người dân trong quá trình sản xuất. Dưới đây giới thiệu một số quy định của pháp luật có liên quan.

1. Đối với Giống vật nuôi (không kể giống thuỷ sản)

Thực hiện theo Luật Chăn nuôi năm 2018, Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật chăn nuôi, theo đó:

Cơ sở sản xuất con giống vật nuôi (ngoại trừ các cơ sở sản xuất quy mô lớn) không quy định có Giấy đủ điều kiện, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Vị trí xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi.

- Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;

- Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;

- Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;

- Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi.

- Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống vật nuôi;

- Cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở tạo dòng, giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;

- Cơ sở nuôi đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn, gia cầm, đàn nhân giống, sản xuất con giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;

- Có hồ sơ giống ghi rõ tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật.

Cơ sở buôn bán con giống vật nuôi không quy định có giấy đủ điều kiện, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu: có bản công bố tiêu chuẩn áp dụng của cơ sở sản xuất và hồ sơ giống theo quy định (ghi rõ tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật).

Luật không quy định danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất,mua bán tại Việt Nam, chỉ quy định Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn (hiện hành theo Phụ lục II Nghị định 13/2020/NĐ-CP) và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu (hiện hành theo Phụ lục III Nghị định 13/2020/NĐ-CP gồm: Lợn ỉ, Lợn mini Quảng Trị, Gà Đông Tảo, Gà Hồn, Bò H’Mông, Bò u đầu rìu).

2. Đối với Giống câytrồng

Thực hiện theo Luật trồng trọt năm 2018, Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, theo đó:

- Cơ sở sản xuất giống cây trồng không quy định có giấy chứng nhận đủ điều kiện, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;

b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

- Cơ sở buôn bán giống cây trồng không quy định có giấy chứng nhận đủ điều kiện nhưng phải đáp ứng: có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng (gồm thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định).

- Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Giống cây trồng được phân thành 02 nhóm: giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính và giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính, danh mục loài cây trồng chính hiện nay theo Thông tư 17/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 gồm lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối.

+ Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu. Thủ tục cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thực hiện theo Điều 4 Nghị định 94/2019/NĐ-CP.

+ Giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu khi tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm, trao đổi quốc tế và sản xuất hạt lai để xuất khẩu. Thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng thực hiện theo Điều 6 Nghị định 94/2019/NĐ-CP.

- Đối với các giống cây trồng đã được đăng ký bảo hộ và còn trong thời gian bảo hộ, ví dụ giống lúa ST25, Đài thơm 8, OM 5451.v.v., việc mua bán còn phải tuân thủ Luật sở hữu trí tuệ, theo đó ngườisản xuất hoặc nhân giống, chào hàng, bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường ... phải được sự đồng ý của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng đó.

Hiện nay trên thị trường lúa giống có tình trạng ghi nhãn lập lờ để đánh lừa nông dân, theo đó một số nhà sản xuất lúa giống không ghi rõ trên bao bì là giống lúa gì (để tránh vi phạm bản quyền) mà ghi "Lúa lương thực" kèm theo là tên giống lúa được bảo hộ, rồi đưa về các đại lý kinh doanh để bán lại cho người trồng lúa với giá thấp hơn giá giống lúa tương ứng được bảo hộ, nhưng cao hơn so với giá lúa thịt (lúa để chà gạo). Do vậy người dân khi mua lúa về làm giống cần xem rõ bao bì để có được giống lúa cần mua với chất lượng được bảo đảm nhằm tránh thiệt hại đến kết quả sản xuất của mình./.
Trần Phùng Hoàng Quân - Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1497562