Lượt xem: 49
Mỹ Tú: Tọa đàm về liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo
Chiều ngày 22 tháng 4 năm 2024 tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Tú đã diễn ra buổi Tọa đàm “Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo” dưới sự chủ trì của ông Trần Tấn Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng và ông Nguyễn Thanh Điền – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mỹ Tú.

    Tham gia tọa đàm có sự hiện diện của Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo các phòng ban, các tổ chức đoàn thể huyện Mỹ Tú, đặc biệt là sự có mặt của 10 đơn vị thu mua như môi giới, thương lái và doanh nghiệp và 15 hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân sản xuất lúa trên địa bàn huyện.

    Với tinh thần trao đổi cởi mở, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm cùng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình liên kết tiêu thụ lúa gạo thời gian vừa qua. Hiện nay trên địa bàn huyện có 2 hình thức thu mua lúa chính là (1) Môi giới làm trung gian cho doanh nghiệp và thương lái để thu mua lúa của nông dân và (2) doanh nghiệp liên kết trực tiếp với hợp tác xã; và hình thức thu mua thông qua môi giới là phổ biến nhất. Nông dân thường được đơn vị thu mua ứng tiền sau khi đã thỏa thuận được loại giống lúa canh tác. Số tiền ứng tùy theo thỏa thuận và thường dao động từ 3 triệu/ha đến 7 triệu/ha. Thời gian chốt giá lúa thu mua vào khoảng 7 ngày đến 10 ngày trước khi thu hoạch.

    Chia sẻ tại buổi tọa đàm các bên tham gia trong chuỗi liên kết thẳng thắn nêu ra những bất cập trong quá trình liên kết. Đối với nông dân, thiệt thòi lớn nhất vẫn là khi giá lúa lên thường bị môi giới bỏ cọc hoặc bị thương lái ép giá khi cân lúa. Còn với doanh nghiệp thiếu hụt vốn khi vào vụ thu hoạch làm cho doanh nghiệp không đủ tiền mặt để trả cho nông dân khi thu lúa. Bên cạnh đó, tình trạng tạo giá ảo của một số thương lái cũng gây nhiều khó khăn và làm đứt gãy liên kết đã được hình thành trước đó.

    Một số bài học thành công cũng được chia sẻ, trong đó để tạo được sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và hợp tác xã cần có sự hỗ trợ gắn kết từ ngành nông nghiệp địa phương, sự năng động của Ban lãnh đạo hợp tác xã, sự chuyên nghiệp của nông dân trong sản xuất, chẳng hạn như gieo sạ tập trung cùng một giống lúa, áp dụng các kỹ thuật sản xuất hiệu quả như 1 phải 5 giảm; đặc biệt là sự chia sẻ lợi nhuận và cảm thông lẫn nhau giữa doanh nghiệp và nông dân khi giá lúa biến động sẽ giúp kết nối được bền chặt. Còn đối với các đơn vị môi giới để hình thành được vùng nguyên liệu lâu dài đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tâm, và giữ uy tín với nông dân trong vùng nguyên liệu.

    Nhiều giải pháp thúc đẩy kết nối cũng được đề xuất, trong đó nông dân cần có sự tham gia của chính quyền địa phương với vai trò là trọng tài trong các hợp đồng liên kết với đơn vị thu mua để giúp nông dân an tâm, tập trung sản xuất. Môi giới thu mua lúa đề xuất chính quyền địa phương có cơ chế công nhận để môi giới có thể hoạt động như một đơn vị kết nối trung gian hợp pháp trong chuỗi thu mua. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để tăng cường năng lực thu mua.

    Được biết đây là buổi tọa đàm về liên kết tiêu thụ lúa gạo lần thứ 2 được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2024. Buổi tọa đàm đầu tiên được thực hiện tại huyện Thạnh Trị, và dự kiến trong năm nay sẽ có những buổi tọa đàm tiếp theo tại các huyện, thị xã khác của tỉnh. Thông qua các buổi tọa đàm này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng các bên tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ lúa sẽ có cơ hội cùng ngồi lại chia sẻ và tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc gây nên sự đứt gãy liên kết trong tiêu thụ lúa, đồng thời cũng là cơ sở để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng các hoạt động hỗ trợ liên kết trong thời gian tới.

Bùi Chúc Ly - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1339231