Lượt xem: 644
Tình hình dịch tả heo Châu Phi
Dịch tả heo Châu Phi (African Swine Ferver - ASF) đang có diễn biến hết sức phức tạp. Dù hiện nay chưa có vắc xin để điều trị, nhưng người chăn nuôi có thể thực hiện các biện pháp phòng chống nhằm chủ động ứng phó và phòng chống bệnh.

Tính đến ngày 27/03/2019, dịch bệnh đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Quảng Trị và Vĩnh Phúc), với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 73.000 con.

Bệnh dịch tả heo Châu Phi tuy không lây sang và gây bệnh cho người nhưng thiệt hại về kinh tế rất lớn (tỷ lệ chết 100%). Do đó, Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng xin thông tin về cách nhận biết và biện pháp phòng chống để người chăn nuôi có biện pháp chủ động ứng phó bảo vệ đàn heo trước dịch bệnh đang có diễn biến hết sức phức tạp.

  Cách nhận biết về bệnh Dịch tả heo Châu Phi

  Dịch tả heo Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm do Myxovirus chứa AND gây ra. Bệnh có nhiều biểu hiện: Quá cấp, cấp tính, mãn tính và không điển hình. Tỷ lệ bệnh và chết cao (100%). Bệnh đặc trưng như thâm tím da phần lớn cơ thể, viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba và thận. Khi bệnh xảy ra, trở thành dịch và lưu cữu nhiều năm.

  Virus có sức sống rất tốt: Trong máu 6 năm (bảo quản lạnh), lách 2 - 2,5 năm, phân ẩm 122 ngày, nước tiểu 45 ngày. Nhạy cảm với các chất sát trùng: Formol 2%, NaOH 3 - 4% và các loại thuốc sát trùng chuồng trại.

  Đặc điểm dịch tễ: Heo nhà, heo rừng đều mắc bệnh. Heo nuôi thả rông dễ mắc bệnh hơn (do tiếp xúc nhiều phân, nước tiểu). Bệnh xảy ra quanh năm. Mọi lứa tuổi đều mắc bệnh.

  Biểu hiện bệnh: Thời gian ủ bệnh 5 - 10 ngày. Sốt cao 41- 42oC kéo dài liên tục 4 ngày với thể trạng bình thường. Sau đó heo ủ rủ, lờ đờ, suy nhược, ho thở khó; run, dáng đi loạng choạng, nằm chồng lên nhau, nái sảy thai. Xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng và mặt đùi sau, chân rồi hoại tử.

  Bệnh tích: Máu chảy ra từ lỗ tự nhiên: mũi, miệng, hậu môn. Tim, cơ tim, vành tim xuất huyết. Lách sưng to, xuất huyết và nhồi huyết. Phổi xuất huyết, khí quản phế quản chứa bọt. Dạ dày xuất huyết. Ruột non, ruột già xuất huyết. Thận xuất huyết. Bàng quang phù xuất huyết. Hạch lâm ba sưng, xuất huyết.

  Phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi

  1. Để ngăn chặn bệnh Dịch tả heo Châu Phi lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện 5 KHÔNG theo đúng quy định của Luật Thú y:

  + Không giấu dịch;

  + Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết;

  + Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết;

  + Không vứt heo chết ra môi trường;

  + Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt

  2. Đối với hộ chăn nuôi, gia trại:

  - Thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác;

  - Mua con giống rõ nguồn gốc; không cho thương lái, người bán thức ăn chăn nuôi, bán thuốc, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào.

  - Khi phát hiện heo bệnh, nghi bị bệnh, KHÔNG bán chạy heo bệnh vì sẽ làm lây lan rất nhanh; KHÔNG ĐIỀU TRỊ vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin tiêm phòng; báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân.

  3. Đối với trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn:

  - Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; có biệt pháp xử lý, sát trùng mọi phương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm,...

  - Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại.

            - Khi phát hiện heo bệnh, nghi bị bệnh, KHÔNG bán chạy heo bệnh vì sẽ làm lây lan rất nhanh; KHÔNG ĐIỀU TRỊ vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin; báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân.

Cao Tấn Đạt - Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng
Tin khác
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1339253