Lượt xem: 180
MỘT SỐ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG KINH DOANH PHÂN BÓN, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT, THUỐC THÚ Y
Nhà nước có những quy định nhằm quản lý hoạt động sản xuất, mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y. Trong quá trình kinh doanh, nếu các cơ sở vi phạm những quy định này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với hành vi vi phạm. Bài viết dưới đây nêu một số vi phạm thường xảy ra và hình thức xử phạt khi buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

Các Nghị định xử phạt hiện hành tương ứng với từng loại vật tư gồm:

Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 09/6/2023 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt.

Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

1. Đối với thuốc bảo vệ thực vật

Áp dụng Nghị định 31/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 04/2020/NĐ-CP).

- Hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (theo khoản 2, Điều 25).

- Hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (theo khoản 1, Điều 25).

- Hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chung với các loại hàng hóa khác như: lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc y tế, thuốc thú y.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng(theo khoản 1a, Điều 25).

- Hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, phạt theo giá trị thuốc vi phạm (theo khoản 2 đến khoản 8, Điều 25), đơn cử:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với thuốc vi phạm có trị giá dưới 5.000.000 đồng.

- Hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, phạt theo giá trị hàng hoá vi phạm (theo khoản 1 đến khoản 7 Điều 25), đơn cử:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với thuốc hết hạn có trị giá dưới 5.000.000 đồng.

2. Đối với phân bón

Áp dụng Nghị định 31/2023/NĐ-CP.

- Hành vi buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (theo khoản 2, Điều 22).

- Hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành (theo khoản 3, Điều 22)

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Hành vi buôn bán phân bón quá hạn sử dụng

Áp dụng Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phạt tiền theo giá trị hàng hoá vi phạm, với mức phạt thấp nhất 600.000 đồng, cao nhất là 100.000.000 đồng, đơn cử:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

3. Đối với thuốc thú y

Áp dụng Nghị định 90/2017/NĐ-CP.

- Hành vi buôn bán thuốc thú y khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán hết hiệu lực

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (theo khoản 5 Điều 35).

- Hành vi người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y không có Chứng chỉ hành nghề thú y hoặc Chứng chỉ hành nghề thú y hết hiệu lực

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (theo khoản 1 Điều 35).

- Hành vi buôn bán mỗi loại thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng (theo khoản 3, Điều 36).

Hành vi buôn bán thuốc thú y quá hạn sử dụng

Xử phạt giống như hành vi buôn bán phân bón quá hạn sử dụng như nêu trên.

Lưu ý:

- Các mức phạt tiền kể trên là áp dụng cho cá nhân, với cùng hành vi vi phạm, mức tiền phạt đối với tổ chức sẽ gấp đôi mức tiền phạt đối với cá nhân.

- Kèm theo mức phạt tiền đã nêu, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với hành vi vi phạm trong trường hợp Nghị định xử phạt có quy định.

- Khi lực lượng chức năng lấy mẫu hàng hoá đưa đi kiểm tra chất lượng, nếu mẫu không đạt sẽ bị xử phạt về hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc xử phạt về hành vi bán hàng có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 19/07/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá (bổ sung Nghị định 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021), hoặc phạt theo quy định tại Nghị định chuyên ngành./.
Trần Phùng Hoàng Quân - Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1497975