Anh Hàng Sanh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Bố Liên 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng)
cẩn thận ghi lại từng vụ việc tiếp nhận đơn, vào sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Ấp Bố Liên 2, xã Thuận Hưng được đánh giá là một trong những ấp đạt nhiều hiệu quả về công tác hòa giải cơ sở. Để đạt được kết quả đó, thời gian qua, các thành viên của Tổ hòa giải ấp Bố Liên 2 luôn đề cao trách nhiệm cộng đồng, trong đó phải kể đến người tổ trưởng Hàng Sanh. Đầu tháng 5-2022, được sự giới thiệu của Trưởng Phòng Tư pháp huyện Mỹ Tú Huỳnh Văn Miên, chúng tôi tìm đến nhà anh Hàng Sanh để hiểu hơn về công việc mà anh đang đảm nhiệm trong 10 năm qua. Sau tiếng gọi, anh Hàng Sanh nhanh nhẹn bước ra mở cửa mời khách vào nhà, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về anh là sự cởi mở, thân thiện và dễ gần gũi.
Trò chuyện với tôi, anh Hàng Sanh chia sẻ: "Năm 1998, tôi bắt đầu tham gia công tác ở chi hội nông dân ấp, được khoảng 7 năm thì nghỉ. Năm 2008, thấy tôi hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương, người dân tín nhiệm bầu tôi giữ chức Trưởng Ban nhân dân ấp Bố Liên 2. Sau đó, tôi chuyển qua làm Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp, đến hôm nay cũng được 10 năm. Hiện nay, ấp Bố Liên 2 có 430 hộ với trên 1.000 nhân khẩu và mỗi năm tổ hòa giải của ấp tiếp nhận được từ 4 - 5 vụ việc, chủ yếu tranh chấp đất đai, hụi và hôn nhân gia đình. Kinh nghiệm làm công tác hòa giải là khi có vụ việc phát sinh, tôi chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng nhân dân nghe họ nhận định để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra cách giải quyết sao cho phù hợp”.
Trong lúc trò chuyện, chúng tôi có hỏi anh Hàng Sanh, trong 10 năm làm công tác hòa giải, vụ việc nào làm anh nhớ nhất. Anh Sanh cho biết, cách đây không lâu, có vụ bà H.Th.V cho ông L.D mượn một phần đất sử dụng, nhưng khi bà V cần, ông D lại không chịu trả. Bức xúc, bà V làm đơn gửi Tổ hòa giải ấp nhờ can thiệp. Nhận được đơn của bà V, anh Hàng Sanh và các thành viên trong tổ hòa giải đã đến gia đình phân tích, giải thích phải trái, ông D vui vẻ trả lại phần đất cho bà V. Từ đó, gia đình bà V và ông D lại hòa thuận, tình lành nghĩa xóm gần như vẹn nguyên như trước khi xảy ra mâu thuẫn. Và còn rất nhiều câu chuyện khác mà chúng tôi được anh Hàng Sanh chia sẻ, thế mới biết anh tâm huyết với công tác hòa giải như thế nào. Ngoài tâm huyết với công tác hòa giải, anh Hàng Sanh còn tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp các loại quỹ, phúc lợi xã hội để xây dựng 4 cầu bắc qua sông.
Đồng chí Huỳnh Văn Miên cho biết: "Anh Hàng Sanh là người dân tộc Khmer có uy tín trong ấp. Trong những năm qua, anh tham gia tổ hòa giải của ấp, với vai trò, uy tín, trách nhiệm của bản thân, anh đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền bà con nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải quyết các mâu thuẫn trong dân, từ đó tăng cường sự đoàn kết trong khu dân cư. Hiện nay, xã Thuận Hưng có 13 tổ hòa giải/11 ấp với 44 thành viên, xây dựng theo mô hình lấy ấp thành lập tổ. Trong quý I năm 2022, Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai thuộc UBND cấp xã tiếp nhận 9 vụ việc, đưa ra hòa giải 7/9 vụ việc, kết quả hòa giải thành 5/7 vụ việc, đạt tỷ lệ 71,43%, còn 2 vụ việc đang xác minh đưa ra hòa giải. Các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 35 vụ việc, đưa ra hòa giải 33/35 vụ việc, đạt tỷ lệ 94,28%. Kết quả, hòa giải thành 27/33 vụ việc, đạt tỷ lệ 81,82%”.
Những đóng góp của anh Hàng Sanh đã được cấp trên khen ngợi, nhưng có lẽ với anh niềm vui lớn nhất là được bà con tin tưởng, tín nhiệm và hạnh phúc khi nhìn thấy xóm ấp của mình ngày càng đoàn kết, phát triển, văn minh hơn trước.
K.N
Nguồn: Báo Sóc Trăng