08 nhiệm vụ, giải pháp duy trì, cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công tỉnh Sóc Trăng năm 2024
Theo đó 08 nhiệm vụ, giải pháp duy trì, cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công tỉnh Sóc Trăng năm 2024 gồm:
1. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cộng đồng dân cư về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Phổ biến và mở rộng các hình thức Nhân dân tham gia ý kiến, trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp dân, công tác đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan nhà nước với Nhân dân; thường xuyên tổ chức các cuộc gặp, tiếp xúc với Nhân dân, tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri, tạo cơ hội cho người dân được biết, được bàn, được tham gia đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc quyền của người dân theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các quy định khác của tỉnh.
2. Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách
Đẩy mạnh việc công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các thông tin, số liệu thuộc phạm vi quản lý dưới nhiều hình thức theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và thuận lợi hơn trong việc tra cứu, sử dụng thông tin.
Thời điểm công khai phải đảm bảo đúng thời gian quy định và đảm bảo tính kịp thời của thông tin cần công khai.
Xây dựng danh mục thông tin cần công khai minh bạch theo Luật thực hiện dân chủ cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
3. Trách nhiệm giải trình với người dân
Thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân bằng nhiều hình thức theo Quy chế số 07-QC/TU ngày 19/5/2017 của Tỉnh ủy để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến tham vấn của Nhân dân.
Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản khác ở địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đội ngũ cán bộ cấp xã; có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đối với đội ngũ Trưởng ấp/khóm, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng ban Công tác mặt trận, Đại biểu HĐND cấp xã.
Nâng cao chất lượng giải trình thông qua các buổi tiếp dân định kỳ, đột xuất, chủ động và tích cực hơn trong việc gặp gỡ, tiếp xúc của người đứng đầu với Nhân dân. Bố trí địa điểm tiếp công dân, xây dựng và niêm yết lịch tiếp công dân cụ thể, theo dõi công tác tiếp dân phải có sổ sách ghi chép đầy đủ các thông tin theo quy định.
Theo dõi, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương theo hướng đa dạng hóa các hình thức công khai chính sách, pháp luật hiện hành, hỗ trợ, giúp đỡ để người dân có cơ hội tiếp cận các thông tin chính sách pháp luật và dịch vụ tư pháp. Cải thiện hiệu quả dịch vụ tư pháp địa phương, nâng cao trách nhiệm xét xử dân sự nhằm tạo niềm tin cho người dân khi giải quyết các tranh chấp dân sự thông qua tòa án địa phương hoặc các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
4. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công
Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản về phòng, chống tham nhũng như: Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 27/8/2019 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 17/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 23/01/2024 của UBND tỉnh thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.
Nâng cao chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh tại các đơn vị, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để phục vụ tốt người dân; chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, nhất là tham nhũng vặt trong tiếp nhận, khám, chữa bệnh. Trong lĩnh vực giáo dục phải công khai minh bạch các khoản phí, lệ phí theo quy định; tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm; không để xảy ra tình trạng “chạy trường, chạy lớp”, công khai, minh bạch trong tuyển sinh đầu cấp.
Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; khẩn trương rà soát, chuyển đổi những vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng cao nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; công khai kế hoạch, nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức; thực hiện đúng quy trình, quy định liên quan đến công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền ...
5. Thủ tục hành chính công
Công bố, công khai TTHC theo quy định; tập trung rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền các TTHC không phù hợp; xử lý nghiêm và không để xảy ra tình trạng phát sinh thêm hồ sơ, thủ tục, giấy tờ ngoài quy định, hồ sơ giải quyết chậm hoặc không được tiếp nhận, xử lý.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp; chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa cấp xã, trong đó có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phải am hiểu quy trình giải quyết hồ sơ, TTHC trực tuyến.
Tăng cường kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC, nhất là bộ phận quan đến dịch vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. Xử lý nghiêm mọi hành vi giải quyết chậm trễ, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, tiêu cực, nhũng nhiễu, môi giới tư vấn trái quy định, phát sinh chi phí không chính thức làm cho người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần để hoàn thiện TTHC.
6. Cung ứng dịch vụ công
- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế công lập
Tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nâng cao tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện; triển khai thực hiện có hiệu quả hơn việc hỗ trợ người nghèo mua bảo hiểm y tế và trẻ em dưới 06 tuổi được miễn phí khám chữa bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết và chỉ trả các chế độ bảo hiểm.
Nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, y tế dự phòng; nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, bồi dưỡng y đức của đội ngũ cán bộ, viên chức ngành y; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập tuyến cơ sở để đảm bảo cho người dân đều được chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí thấp, hiệu quả cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám chữa bệnh nhằm cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; mở rộng các hình thức đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
- Cải thiện chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục tiểu học công lập
Tiếp tục quan tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tổ chức đánh giá lại theo định kỳ các trường đạt chuẩn gắn với việc khảo sát đo lường sự hài lòng của phụ huynh học sinh và người dân đối với chất lượng giáo dục ở các trường bậc tiểu học và đề xuất giải pháp cụ thể để cải thiện chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên có năng lực về chuyên môn, kỹ năng sư phạm, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; củng cố kỷ cương, dân chủ trong nhà trường, xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm theo đúng quy định; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, trang ; thiết bị phục vụ giảng dạy nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho con em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đến truong.
- Cải thiện cơ sở hạ tầng căn bản
Nâng cấp lưới điện, thực hiện có hiệu quả chương trình cấp điện nông thôn trên địa bàn tỉnh; thông báo thời gian cụ thể về lịch cắt điện cho người dân được biết trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn; tiếp tục thực hiện cung cấp nước sạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, đảm bảo mọi người dân đều có nước sạch sử dụng, giảm thiểu tối đa tình trạng người dân sử dụng các nguồn nước không hợp vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt.
Tăng cường tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, đảm bảo tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trong ngày.
- Giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn khu dân cư
Thực hiện nghiêm túc các chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình công trình thắp sáng đường quê, cổng an ninh tự quản, đường thanh niên tự quản tại ấp, khóm, tổ dân phố; công khai số điện thoại công an cấp xã để tiếp nhận tin báo của người dân trong việc tố giác tội phạm.
7. Quản trị môi trường
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 08/9/2020 của UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện Kết luận số 20-KL/TU ngày 24/6/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 22/4/2024 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về tài nguyên nước, giữ gìn nguồn nước sạch, chống ô nhiễm nguồn nước; khuyến khích sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư trong việc giám sát các nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước hoặc các trường hợp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Thông tin kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng đối với các phản ánh của người dân liên quan đến bảo vệ môi trường tại địa phương để người dân được biết.
Các cơ quan chức năng phải có biện pháp giải quyết triệt để các sự cố, vấn đề về môi trường gây bức xúc ở địa phương, nhất là các vấn đề liên quan đến các bãi rác gần khu dân cư, việc xả thải nước bẩn ra các ao hồ, kênh mương làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân.
Triển khai Đề án cải tạo, phục hồi môi trường các ao, hồ, kênh, mương, đoạn sông, khu vực bị ô nhiễm; đề xuất lộ trình đầu tư cải tạo, nâng cấp, phòng ngừa xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi rác đã quá tải; tổ chức các hoạt động thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về “Chống rác thải nhựa”; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước, ưu tiên các khu vực thị trấn, thị xã; thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu tiếng ồn tại cộng đồng dân cư, khu vực công cộng; ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm hóa học trong nông nghiệp.
8. Quản trị điện tử
Triển khai thực hiện tốt các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo Đề án 06, Nghị quyết số 07-NQ/TU và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức được sự cần thiết và tính cấp thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia sử dụng Internet; biết và sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia và Trang thông tin điện tử của chính quyền các cấp; tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác định định danh điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các hình thức tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến. Cán bộ, công chức, viên chức Bộ phận Một cửa khi tiếp nhận TTHC cho người dân sử dụng dữ liệu khi tra cứu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng dữ liệu của người dân tại VNelD mức 2.
Tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp bằng việc xây dựng các kênh tương tác trực tuyến với người dân, doanh nghiệp bảo đảm thuận tiện, kịp thời, chất lượng và hiệu quả cao. Kịp thời giải đáp các câu hỏi của người dân, tổ chức qua kênh Hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử./.
MH