Sở Tư pháp Sóc Trăng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 đứng thứ 02 trên cả nước
Trong năm qua, Ngành Tư pháp tỉnh Sóc Trăng đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phục vụ quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật. Các mặt công tác của Ngành đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Để từng bước thực hiện các mục tiêu quan trọng về kinh tế xã hội của tỉnh, riêng trong công tác tư pháp, Sở Tư pháp đã khẩn trương tham mưu, giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Ngành được xác định tại Chương trình công tác hàng năm. Ngay từ đầu năm Sở Tư pháp xây dựng Chương trình công tác về thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành Tư pháp và được UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sở đã tổ chức hội nghị triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đơn vị thuộc Sở, các Phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch công tác phù hợp với những nhiệm vụ trọng tâm của ngành theo từng lĩnh vực quản lý.
Đặc biệt, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp từ tỉnh đến cơ sở luôn được Sở Tư pháp tuân thủ nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan và của tỉnh về công tác tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, củng cố tổ chức, nhất là đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Làm tốt công tác quy họach cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa, quan tâm trẻ hóa đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là công chức, viên chức nữ, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực, sở trường công tác. Ngành Tư pháp địa phương từng bước được kiện toàn; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện thường xuyên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cho nên đã được chú trọng, quan tâm đúng mức. Xuất phát từ yêu cầu thực tế và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương nên có những nội dung được phổ biến, giáo dục thường xuyên, liên tục như: pháp luật về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng; pháp luật về an toàn giao thông, đầu tư, xây dựng, lao động, doanh nghiệp, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội; quy chế dân chủ ở cơ sở; về thủ tục hành chính; quy định về chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, dân số…Ngoài những văn bản được tập trung phổ biến thì tuỳ theo từng nhóm đối tượng mà các đơn vị, ngành, địa phương lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến phù hợp, hiệu quả.
Với những đóng góp và thành tích đã đạt được, Sở Tư pháp Sóc Trăng được Bộ Tư pháp xếp hạng xuất sắc./
Đăng Khoa