Tăng cường thực hiện các nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu
Thời gian vừa qua, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từng bước đi vào nề nếp, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về đấu thầu. Nhằm tăng cường thực hiện đúng các nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, Bên mời thầu thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Tăng cường quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Đấu thầu ngày 23/6/2023; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 và Nghị định số 17/2025/NĐ-CP ngày 06/02/2025 của Chính phủ; Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT ngày 17/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh (Công văn số 2870/UBND-XD ngày 20/10/2023; Công văn số 1095/UBND-XD ngày 19/4/2024; Công văn số 80/UBND-XD ngày 08/01/2025).
2. Cương quyết thực hiện đúng các nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, trong đó đặc biệt lưu ý:
- Lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu hoặc lập tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm định phải đảm bảo đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm theo quy định hiện hành. Hợp đồng giữa chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thầu, tư vấn thẩm định đấu thầu phải quy định rõ trách nhiệm, các điều kiện ràng buộc khi tư vấn vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng.
- Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, danh sách ngắn, hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, hủy thầu đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu,... đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và chịu trách nhiệm giải trình trước pháp luật và người có thẩm quyền đối với các quyết định của mình.
- Triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, không để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; các nhà thầu được lựa chọn phải đảm bảo năng lực, kinh nghiệm để triển khai đạt chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư; đặc biệt là nhà thầu tại các dự án quan trọng, trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời công khai xử lý vi phạm các nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; đồng thời gửi quyết định xử lý vi phạm đến Sở Tài chính, Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi.
- Tăng cường các biện pháp nâng cao tỷ lệ tiết kiệm trong công tác đấu thầu trên tất cả các hình thức lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt, chú trọng việc lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, lập dự toán đầy đủ, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu, giá gói thầu trong giai đoạn lập dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình khảo sát, lập dự án nhằm hạn chế những sai sót, thiếu khối lượng phải rà soát, cập nhật điều chỉnh dự toán gói thầu sau khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu được người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Giao Sở Tài chính là đơn vị đầu mối, theo dõi, giám sát, kiểm tra về hoạt động lựa chọn nhà thầu của các đơn vị bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, không để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc có những nội dung không phù hợp với tình hình thực tế thì các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kịp thời đề xuất, gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Hồng Vân