Tăng cường giải quyết tình trạng ô nhiễm, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Theo đó, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, xác định là một trong ba trụ cột để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Ngày 22/4/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp về bảo vệ môi trường, công tác quản lý nhà nước và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường đạt nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số lĩnh vực, địa bàn chưa được kiểm soát chặt chẽ; một số cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên và tăng cường giải quyết tình trạng ô nhiễm, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Các Sở, ngành và Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ môi trường, trọng tâm là: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chỉ thị số 02/CT- UBND này 22/4/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 26/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường; tham mưu giải quyết tình trạng ô nhiễm, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn quản lý.
2. Sở Nông nghiệp và Môi trường
- Tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, tham mưu xử lý, giải quyết dứt điểm và không để phát sinh mới các cơ sở ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
- Mở đợt cao điểm tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường; vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thu gom, xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chất thải sinh hoạt..., đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, hướng dẫn các chủ dự án, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các dự án, công trình có phát sinh chất thải, khí thải với khối lượng lớn.
3. Công an tỉnh
- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra, điều tra, xử lý toàn diện, triệt để mọi hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
- Thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời đối với các vụ việc phức tạp về ô nhiễm môi trường, không để hình thành “điểm nóng” về môi trường.
- Tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
4. Sở Xây dựng
- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện đảm bảo nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các đồ án quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động xây dựng, giao thông vận tải và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng, đô thị thuộc các lĩnh vực ngành quản lý.
5. Sở Y tế phối hợp với cơ quan chức năng, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế thu gom, chuyển giao, xử lý chất thải, nước thải y tế.
6. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, xử lý nước thải, bùn thải tập trung của Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp An Nghiệp.
7. Thanh tra tỉnh phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thẩm định, cấp phép, thủ tục liên quan về công tác bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan và các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường, phát động phong trào toàn dân chấp hành pháp luật và tham gia phát hiện, tố giác tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo vệ môi trường trên địa bàn phụ trách. Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về môi trường tại địa phương.
- Chỉ đạo tuyện truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về môi trường; vận động quần chúng Nhân dân và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chấp hành pháp luật về môi trường, thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, nước thải, rác thải tại nguồn theo quy định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để xảy ra tình trạng các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, gây bức xúc dư luận mà không có biện pháp giải quyết.
Giao Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc phát sinh các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để hướng dẫn, giải quyết./.
Hồng Vân