Quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Theo đó, Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây viết tắt là Ngân hàng Phát triển). Đối tượng áp dụng gồm: Ngân hàng Phát triển; Cơ quan quản lý nhà nước; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về tên gọi, trụ sở hoạt động của Ngân hàng Phát triển
1. Tên gọi:
- Tên tiếng Việt: Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Development Bank;
- Tên viết tắt: VDB.
2. Trụ sở hoạt động: Ngân hàng Phát triển có trụ sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội; có sở giao dịch, chi nhánh tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu vực; đơn vị trực thuộc khác.
Website: www.vdb.gov.vn
Về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, đại diện pháp luật
1. Ngân hàng Phát triển là ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Ngân hàng Phát triển có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu theo quy định của pháp luật.
3. Người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Phát triển là Tổng giám đốc.
Về nguyên tắc, mục tiêu hoạt động và bảo đảm hoạt động
1. Nguyên tắc, mục tiêu hoạt động: Ngân hàng Phát triển hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm hoạt động
a) Ngân hàng Phát triển được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán; được cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định của pháp luật;
b) Ngân hàng Phát triển không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Về chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước của Ngân hàng Phát triển
1. Nhà nước là chủ sở hữu của Ngân hàng Phát triển. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước đối với Ngân hàng Phát triển.
2. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước theo quy định tại Nghị định này.
3. Bộ Tài chính thực hiện một số quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định này.
4. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại Ngân hàng Phát triển, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định này.
Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển
- Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
- Việc bổ sung vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế quản lý tài chính của Ngân hàng Phát triển.
Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển
1. Quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước giao cho Ngân hàng Phát triển; đảm bảo an toàn, bảo toàn vốn và tài sản theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.
2. Hoàn trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi đối với các khoản vốn mà Ngân hàng Phát triển huy động theo đúng cam kết.
3. Tuân thủ các quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức hoạt động theo đúng chiến lược hoạt động, kế hoạch hoạt động hằng năm, trung và dài hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Thực hiện báo cáo công khai, minh bạch về hoạt động và tài chính; chấp hành chế độ báo cáo thống kê với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vốn, tài sản theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.
Quyền hạn của Ngân hàng Phát triển
1. Được mở tài khoản thanh toán và thực hiện nghiệp vụ gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; được mở tài khoản cho khách hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
2. Được vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
3. Được góp vốn thành lập doanh nghiệp trên cơ sở phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
4. Được yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu liên quan đến việc vay vốn, tình hình sử dụng vốn, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho Ngân hàng Phát triển để thẩm định dự án, phương án tài chính, phương án kinh doanh, phương án trả nợ, năng lực của khách hàng.
5. Được cho thuê, thế chấp, cầm cố các tài sản thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật.
6. Được đề nghị cơ quan thuế, cơ quan hải quan, các tổ chức tín dụng và các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý, thu thập thông tin, cung cấp những thông tin theo quy định của pháp luật liên quan đến khách hàng có quan hệ với Ngân hàng Phát triển trong các hoạt động ngân hàng.
7. Được kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng. Được quyền chấm dứt thực hiện các cam kết với khách hàng, thu hồi nợ trước thời hạn, đồng thời yêu cầu khách hàng bồi thường các thiệt hại phát sinh (nếu có) trường hợp phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật.
8. Được khởi kiện khách hàng hoặc bên đảm bảo vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật.
9. Khi đến hạn trả nợ, nếu các bên không có thỏa thuận khác mà khách hàng không trả được nợ thì Ngân hàng Phát triển được quyền xử lý tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
10. Được xử lý rủi ro trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật.
11. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức lại, giải thể Ngân hàng Phát triển
1. Ngân hàng Phát triển tổ chức lại dưới hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý.
2. Ngân hàng Phát triển giải thể khi hết thời hạn hoạt động quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ngân hàng Phát triển mà không được Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn.
3. Hồ sơ, thủ tục tổ chức lại, giải thể Ngân hàng Phát triển được áp dụng theo quy định đối với tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong Ngân hàng Phát triển
1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong Ngân hàng Phát triển hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong Ngân hàng Phát triển hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ của các tổ chức đó, phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Ngân hàng Phát triển tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động tại Ngân hàng Phát triển; tôn trọng và tạo điều kiện để người lao động tham gia hoạt động trong các tổ chức này./.
MH