Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và thi đua khen thưởng
Theo đó, Nghị định quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và thi đua khen thưởng như sau:
(1) Lĩnh vực phòng bệnh
(i) Thẩm quyền thực hiện các biện pháp phòng bệnh
- Thẩm quyền thực hiện các biện pháp sau đây do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện:
+ Tiếp nhận, lập dự kiến nhu cầu vắc xin của cơ sở thực hiện tiêm chủng mở rộng trên địa bàn theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng được sửa đổi, bổ sung năm 2018 và năm 2024;
+ Xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù;
+ Xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch trên cơ sở đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP;
+ Chỉ đạo việc được đăng tải trên hệ thống truyền thanh của xã với tần suất 03 lần/ngày trong thời gian 07 ngày liên tục đối với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng và biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP;
+ Quyết định mức thưởng đối với cuộc thi cấp xã: Giải tập thể tối đa 5.000.000 đồng/giải thưởng; giải cá nhân tối đa 2.000.000 đồng/giải thưởng theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia;
+ Tổ chức việc thực hiện biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công trên địa bàn quản lý theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 25 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP;
+ Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng năm thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 25 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP.
- Thẩm quyền thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền:
- Xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra trên địa bàn từ 02 xã trở lên trên cơ sở đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP;
- Chỉ đạo việc được đăng tải trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo của tỉnh và các xã trong thời gian 07 ngày liên tục đối với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm và biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP.
(ii) Cung ứng vắc xin cho hoạt động tiêm chủng
- Vắc xin sử dụng cho hoạt động tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch do Nhà nước bảo đảm về số lượng, chủng loại phù hợp với nhu cầu hằng năm và được dự trữ trong 6 tháng.
- Căn cứ số lượng đối tượng tiêm chủng, thời gian và định mức sử dụng của từng loại vắc xin, cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm lập dự kiến nhu cầu vắc xin quy định tại khoản 1 Điều này của cả năm gửi cơ quan được giao quản lý về tiêm chủng cấp xã tổng hợp gửi Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 5 hằng năm để chỉ đạo việc cấp vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Căn cứ đề xuất về nhu cầu vắc xin của cơ quan được giao quản lý về tiêm chủng cấp xã, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhu cầu và gửi về Bộ Y tế trước ngày 30 tháng 6 hằng năm để xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vắc xin và tiêm chủng hằng năm.
- Khi xảy ra tình trạng thừa, thiếu vắc xin cục bộ tại các cơ sở tiêm chủng, Ủy ban nhân dân tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc điều phối vắc xin giữa các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn để bảo đảm cung ứng vắc xin đầy đủ, kịp thời, liên tục và báo cáo Bộ Y tế về tình hình sử dụng vắc xin theo định kỳ hằng tháng.
- Khi xảy ra tình trạng thừa, thiếu vắc xin cục bộ tại một số tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan điều phối vắc xin giữa các tỉnh.
(2) Lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và thi đua khen thưởng
(i) Giải quyết đối với trường hợp người bệnh tử vong là người nước ngoài mà không có thân nhân và xác định được quốc tịch
Thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp người bệnh tử vong là người nước ngoài mà không có thân nhân và xác định được quốc tịch quy định tại khoản 2 Điều 95 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở thực hiện.
(ii) Thẩm quyền thành lập Hội đồng cấp cơ sở ở xã
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, đặc khu có trách nhiệm thành lập Hội đồng cấp cơ sở tại xã, phường, đặc khu để xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” cho các cá nhân đã và đang công tác tại cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, đặc khu theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 25/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, đặc khu không đủ điều kiện thành lập Hội đồng cấp cơ sở tại xã, phường, đặc khu, gửi hồ sơ xét tặng về Hội đồng cấp cơ sở tại Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Số lượng thành viên Hội đồng có từ 05 đến 07 thành viên. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã; Phó Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã có chức năng quản lý nhà nước về y tế; Ủy viên Hội đồng là người đứng đầu cơ sở y tế cấp xã; công chức cấp xã phụ trách lĩnh vực y tế; công chức cấp xã phụ trách lĩnh vực thi đua khen thưởng và đại diện một số “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” (nếu có).
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025./.
MH