Đội ngũ người thực hiện Trợ giúp pháp lý - Điểm tựa của người dân “yếu thế”
Để đạt được kết quả trên, bên
cạnh sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, của cơ quan cấp trên trực tiếp
quản lý; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị hữu quan, thì sự nỗ lực không
ngừng của một tập thể, trong đó đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý là
những người đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp cho những người yếu thế, họ là những chiến sĩ trên mặt trận xóa đói,
giảm nghèo về pháp luật, nâng cao dân trí, để làm nên cái gọi là niềm tự hào
"thương hiệu" của nghề, đòi hỏi sự tận tâm, miệt mài và sẵn sàng cống
hiến.
Hàng năm, Trung tâm đã chủ động triển khai nhiều hình thức
tuyên truyền, truyền thông phù hợp đến từng đối tượng để mọi người có thể tiếp
cận gần hơn với công tác Trợ giúp pháp lý, góp phần vào việc giải tỏa các vướng
mắc pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, góp phần vào việc đảm bảo quyền và
lợi ích hợp pháp của người dân. Đặc biệt, góp phần vào việc nâng cao nhận thức
về vai trò của trợ giúp pháp lý đối với nhóm người yếu thế trong xã hội, tăng
cường quy chế dân chủ, góp phần giữ gìn trật tự xã hội.
Trước tình hình diễn biến đang phức tạp của đại dịch
Covid-19, Giám đốc Trung tâm đã chủ động, sắp xếp, phân công, bố trí viên chức,
người lao động của Trung tâm làm việc tại cơ quan và làm việc trực tuyến tại
nhà, hướng dẫn tư vấn người dân, xử lý thông tin qua dịch vụ bưu chính, nhờ đó,
công việc, nhiệm vụ được giao cơ bản được đảm bảo.
Mặc dù số lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư
thực hiện TGPL còn ít so với nhu cầu TGPL của người dân. Tuy nhiên, bằng kinh
nghiệm và bản lĩnh của mình, người thực hiện TGPL ngày càng khẳng định về năng
lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm khi tham gia thực hiện nhiệm
vụ.
Qua thống kê cho thấy, trong 06 đầu năm 2021, đã có 34 vụ
việc tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL thực hiện thành công hiệu quả. Trong
đó, nổi bật có thể kể đến vụ án “Trộm cắp tài sản”, đã được Tòa án nhân dân huyện
Kế Sách xét xử sơ thẩm, bị cáo bà Kim Thị B là người hộ cận nghèo, được Trung
tâm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa miễn phí
theo quy định của pháp luật trong vụ án. Tại phiên tòa, phía đại diện Viện Kiểm
sát nhân dân đề nghị xử phạt bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản”, xử phạt bị cáo mức
án từ 06 tháng đến 09 tháng tù, từ khi được phân công bào chữa, Luật sư thực hiện
trợ giúp pháp lý đã trực tiếp tham gia các giai đoạn điều tra, truy tố cũng như
xét xử vụ án. Sau khi nghiên cứu các tài liệu, nội dung liên quan, người thực
hiện trợ giúp pháp lý đã đưa ra luận cứ bào chữa, đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt
bị cáo mức khởi điểm mà phía đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị và cho bị
cáo được hưởng án treo. Cho rằng lập luận, nội dung bào chữa của người thực hiện
trợ giúp pháp lý là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Qua đó cho thấy
người thực hiện trợ giúp pháp lý đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện được giá
trị cao đẹp của mình.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng sự tin cậy và kỳ vọng của người
dân chính là động lực để những người làm công tác trợ giúp pháp lý miễn phí
phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục làm cầu nối, điểm tựa pháp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nghèo, đối tượng
chính sách và nhóm đối tượng yếu thế khác trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trung tâm TGPL