Văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản không được thực hiện việc đấu giá tài sản
Phóng viên: Ông có thể cho biết
điều kiện đăng ký của doanh nghiệp ĐGTS được quy định ra sao?
Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Điều kiện đăng ký
hoạt động của doanh nghiệp ĐGTS gồm: Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh
nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là giám đốc doanh nghiệp; công ty đấu giá hợp
danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, tổng giám đốc hoặc
giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên; có trụ sở, cơ sở vật
chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động ĐGTS quy định tại
Khoản 3, Điều 23 Luật ĐGTS năm 2016.
Phóng viên: Việc đăng ký hoạt động của doanh
nghiệp ĐGTS được quy định như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Doanh nghiệp đáp
ứng quy định tại Điều 23 của luật này gửi một bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt
động ĐGTS đến Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và nộp phí theo quy định
của pháp luật. Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hoạt động; điều lệ của doanh
nghiệp đối với công ty đấu giá hợp danh; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm
bản chính để đối chiếu chứng chỉ hành nghề đấu giá của chủ doanh nghiệp đấu giá
tư nhân, chứng chỉ hành nghề đấu giá của thành viên hợp danh, tổng giám đốc
hoặc giám đốc của công ty đấu giá hợp danh; giấy tờ chứng minh về trụ sở của
doanh nghiệp ĐGTS, cam kết bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho
hoạt động ĐGTS.
Về trình tự,
thủ tục đăng ký hoạt động của doanh nghiệp ĐGTS thực hiện theo quy định tại
Khoản 2, Khoản 3, Điều 25 Luật ĐGTS năm 2016.
Phóng viên: Theo quy định của Luật ĐGTS,
doanh nghiệp ĐGTS có được thành lập chi nhánh hay không?
Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Chi nhánh của doanh
nghiệp ĐGTS được thành lập ở trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp ĐGTS đăng ký hoạt động. Doanh nghiệp ĐGTS
chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh và cử một đấu giá viên của doanh
nghiệp làm trưởng chi nhánh (Khoản 1, Điều 29 Luật ĐGTS năm 2016).
Phóng viên: Riêng việc thành lập văn phòng
đại diện thì được quy định ra sao, thưa ông?
Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Văn phòng đại diện
của doanh nghiệp ĐGTS do doanh nghiệp thành lập trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Văn phòng
đại diện không được thực hiện việc ĐGTS (Khoản 1, Điều 30 Luật ĐGTS năm 2016).
Phóng viên: Trường hợp nào doanh nghiệp ĐGTS
chấm dứt hoạt động?
Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Doanh nghiệp ĐGTS
chấm dứt hoạt động trong các trường hợp: Giải thể; hợp nhất, bị sáp nhập; phá
sản; bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động theo quy định tại Khoản 1, Điều 32 của
Luật ĐGTS năm 2016.
Phóng viên: Vậy doanh nghiệp ĐGTS bị thu hồi
giấy đăng ký hoạt động trong trường hợp nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Doanh nghiệp ĐGTS
bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động trong các trường hợp như: Không đáp ứng quy
định tại Khoản 3, Điều 23 của luật này; nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký
hoạt động là giả mạo; ngừng hoạt động 1 năm mà không thông báo với Sở Tư pháp
nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi
không gửi báo cáo theo quy định tại Điểm 1, Khoản 2, Điều 24 của luật này mà
tái phạm; trường hợp khác theo quyết định của tòa án; về trình tự, thủ tục thực
hiện việc thu hồi giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp ĐGTS theo quy định
tại Khoản 2, Điều 32 Luật ĐGTS năm 2016.
Sở Tư pháp nơi
doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký hoạt động công bố thông tin về việc thu
hồi giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Sở
Tư pháp; thông báo bằng văn bản đến cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan kế
hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động và báo cáo Bộ Tư pháp.
Phóng viên: Luật ĐGTS quy định về những
trường hợp nào được hủy kết quả ĐGTS?
Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Điều 72 Luật ĐGTS
năm 2016 quy định kết quả ĐGTS bị hủy trong các trường hợp sau đây: Theo thỏa
thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức ĐGTS và người trúng đấu giá về
việc hủy kết quả ĐGTS hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá
về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán
tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích
của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; hợp đồng dịch vụ
ĐGTS, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định
của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm
quy định tại Điểm b, Khoản 5, Điều 9 của luật này; hợp đồng dịch vụ ĐGTS bị hủy
bỏ theo quy định tại Khoản 6, Điều 33 của luật này; người có tài sản đấu giá,
người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức ĐGTS, đấu giá viên có hành
vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm
sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả
ĐGTS; theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong
trường hợp ĐGTS nhà nước khi có một trong các căn cứ quy định tại Khoản 6, Điều
33 của luật này.
Phóng viên: Như vậy hậu quả pháp lý khi hủy
kết quả ĐGTS được quy định ra sao?
Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Trường hợp hủy kết
quả ĐGTS theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5, Điều 72 của luật này thì các
bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu
không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt
hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật (theo Điều 73 Luật ĐGTS).
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Nguồn (baosoctrang.org.vn)