Một số điểm mới
nổi bật của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP như sau:
Một là, bổ sung quy định về hủy giá trị
giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người thôi quốc tịch, tước quốc
tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong các văn
bản pháp luật về quốc tịch trước đây do không có quy định này, nên rất nhiều
trường hợp mặc dù đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn sử
dụng Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân…để chứng minh tư cách công dân Việt Nam
trong các giao dịch. Vì vậy, đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý,
cũng như ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người có liên quan. Để khắc phục hạn
chế này, Điều 4 Nghị định đã có quy định về việc hủy giá trị giấy tờ chứng minh
quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết
định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Theo đó, kể từ ngày Quyết định cho thôi quốc
tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt
Nam của một người có hiệu lực pháp luật, giấy tờ quy định tại Điều 11 của Luật
quốc tịch Việt Nam (như: Giấy khai sinh; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt
Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch
Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước
ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi) đã
cấp cho người đó không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, để
đảm bảo chặt chẽ, Nghị định cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc
xóa đăng ký thường trú, thu hồi và hủy giá trị sử dụng Hộ chiếu Việt Nam, Chứng
minh nhân dân, Căn cước công dân của những trường hợp nêu trên. Ngoài ra, người
được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch
Việt Nam cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an để làm thủ tục xóa
đăng ký thường trú, nộp lại Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước
công dân theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hai là, khẳng định lại nguyên tắc một quốc
tịch Việt Nam theo Điều 4 của Luật quốc tịch, tạo cách hiểu và áp dụng thống nhất
pháp luật đối với người có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước
ngoài.
Điều 4 của Luật
quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch Việt Nam như sau: “Nhà nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch
là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Quy định này
của Luật đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quốc tịch Việt
Nam, đó là công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Đây được coi là nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt của pháp luật quốc tịch Việt Nam
từ 1945 đến nay, được thể hiện rõ trong Luật quốc tịch các năm 1988, 1998 và
2008.
Tuy nhiên, gần
đây có một số ý kiến dẫn đến cách hiểu khác về nguyên tắc quốc tịch Việt Nam
(nhất là cụm từ “trừ trường hợp Luật này có quy định khác” tại đoạn cuối Điều 4
của Luật quốc tịch). Đối với quy định này, chúng ta không nên giải thích cụm từ
này theo cách làm vô hiệu nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam. Thực tế, Luật quốc
tịch Việt Nam chỉ quy định một số trường hợp ngoại lệ (theo khoản 3 Điều 19,
khoản 2 Điều 23) về việc người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam không
phải thôi quốc tịch nước ngoài, “trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch
nước cho phép”. Nhưng việc một người không phải thôi quốc tịch nước ngoài khi
được nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam hoàn toàn không đồng nghĩa với việc
Việt Nam công nhận quốc tịch nước ngoài của người đó. Điều này cũng phù hợp với
thực tiễn pháp luật của nhiều nước (như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc, Hàn Quốc...),
tuy các nước này không bắt buộc công dân nước ngoài phải thôi quốc tịch gốc khi
nhập quốc tịch của họ, nhưng sau khi được nhập quốc tịch thì các nước này chỉ
coi đó là công dân của họ và trên giấy tờ cá nhân chỉ ghi duy nhất 1 quốc tịch
của nước mình.
Thực tiễn quốc
tế cũng cho thấy, xung đột pháp luật của các nước về quốc tịch là hiện tượng
bình thường (do các nước xác định quốc tịch theo các nguyên tắc huyết thống,
nguyên tắc nơi sinh… khác nhau hoặc có các chính sách khác về quốc tịch). Để giải
quyết vấn đề hai quốc tịch, ngoài việc các quốc gia liên quan phải ký kết với
nhau điều ước quốc tế để thỏa thuận về các quyền, nghĩa vụ dân sự, chính trị của
người hai quốc tịch, thì quốc gia còn ban hành nội luật để xác định rõ tư cách
công dân đối với người hai quốc tịch. Luật quốc tịch Việt Nam cũng đã tính đến
việc xử lý các vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc
tịch nước ngoài (Điều 12)[1]. Nhưng đến nay, Việt Nam chưa là thành viên của điều
ước quốc tế nào liên quan đến việc giải quyết tình trạng hai quốc tịch. Tập
quán và thông lệ quốc tế về vấn đề này chưa được nghiên cứu một cách bài bản để
có thể áp dụng thống nhất tại Việt Nam. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là người
có hai quốc tịch (Việt Nam và nước ngoài) sử dụng quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch
nước ngoài – là hoàn toàn phụ thuộc sự lựa chọn của họ - trong quan hệ với cơ
quan, tổ chức, công dân Việt Nam. Điều đó gây nhiều khó khăn cho các cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền, thậm chí còn gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của công
dân khác.
Vì vậy, để khắc
phục bất cập nêu trên, tại Điều 5 Nghị định
số 16/2020/NĐ-CP đã có quy định về việc sử dụng quốc tịch của công dân Việt Nam
đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của
Việt Nam: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch
Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan
hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà
Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Theo đó, Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với
người có hai quốc tịch (quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài) khi người
đó tham gia các quan hệ/giao dịch với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ
trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Đây
không phải là quy định mới, mà chỉ khẳng định lại và cụ thể hóa nguyên tắc một
quốc tịch Việt Nam theo Điều 4 của Luật quốc tịch Viêt Nam. Hơn nữa, quy định tại
Điều 5 Nghị định chỉ nhằm điều chỉnh quan hệ của cơ quan có thẩm quyền của Việt
Nam với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nên không bị coi
là hạn chế quyền công dân. Quy định như vậy cũng thể hiện rõ chủ quyền của Việt
Nam đối với công dân của mình, qua đó làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của công dân đối
với Nhà nước.
Ba là, những hành vi bị nghiêm cấm trong
hoạt động quốc tịch
Luật quốc tịch
Việt Nam và Nghị định số 78/2009/NĐ-CP đều không có quy định về những hành vi bị
nghiêm cấm trong hoạt động quốc tịch, do đó, không có cơ sở pháp lý để xử lý
khi phát sinh trên thực tế. Vì vậy, tại Điều 6 Nghị định số 16/2009/NĐ-CP đã bổ
sung quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi: (i) Dùng
giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung; khai báo không
trung thực, có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch;
(ii) Dùng giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định
tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này để chứng minh đang có quốc tịch Việt Nam;
(iii) Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ về quốc tịch Việt Nam, giấy
tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam
trái quy định của pháp luật; xác nhận không có cơ sở, không đúng sự thật về người
xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; (iiii) Lợi dụng việc nhập, trở lại,
thôi quốc tịch Việt Nam và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi được nhập, trở
lại quốc tịch Việt Nam để xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn
xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phương hại đến quyền, lợi
ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
Trường hợp cá
nhân, tổ chức thực hiện các hành vi nêu trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi
phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật; giấy tờ quy định tại (ii), giấy tờ
được cấp trong các trường hợp (i) và (iii) không có giá trị pháp lý, phải bị
thu hồi hủy bỏ. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật thì những
trường hợp đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật quốc tịch
mà bị phát hiện có hành vi tại (i) nêu trên thì Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc
tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Luật quốc tịch Việt Nam và Điều
23 của Nghị định này.
Bốn là, quy định chi tiết và hướng dẫn
rõ hơn về các điều kiện xin giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập/trở lại quốc
tịch Việt Nam nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng đúng quy định tại
khoản 3 Điều 19, khoản 5 Điều 23 của Luật quốc tịch Việt Nam.
Khoản 3 Điều
19 Luật quốc tịch Việt Nam quy định: Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải
thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong
trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép. Do quy định này chưa được hướng dẫn đầy đủ và
chi tiết nên dẫn đến cách hiểu khác nhau. Nhiều người đơn giản cho rằng, họ chỉ
cần có vợ, chồng, cha, mẹ, con là công dân Việt Nam thì đương nhiên được coi là
“trường hợp đặc biệt” để được Chủ tịch nước cho giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập
quốc tịch Việt Nam. Khi bị từ chối giải quyết, thì phát sinh khiếu nại, khiếu
kiện. Do đó, để bảo đảm thống nhất cách hiểu và áp dụng các quy định về điều kiện
nhập quốc tịch Việt Nam đối với người xin giữ quốc tịch nước ngoài, Điều 9 Nghị
định đã quy định rõ hơn về các trường hợp đặc biệt: (1) Có đủ điều kiện nhập quốc
tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam; (2) Có công lao đặc biệt
đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch
đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam; (3) Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc
tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó; (4) Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền
lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng; (5) Không sử dụng quốc tịch nước
ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá
nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, theo
quy định nêu trên thì người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường
hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ tất
cả 05 điều kiện sau nêu trên thì được coi là trường hợp đặc biệt quy định tại
khoản 3 Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam và được trình Chủ tịch nước xem xét việc
cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài. Đối với
trường hợp khác (không thuộc đặc biệt), UBND cấp tỉnh và Bộ Tư pháp yêu cầu người
đó phải thôi quốc tịch nước ngoài theo quy định chung của pháp luật quốc tịch
khi xem xét hồ sơ quốc tịch.
Đồng thời, để
tạo thuận lợi cho người (gốc Việt) xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo đúng
tinh thần của Luật quốc tịch, Điều 14 Nghị định đã có quy định khá “cởi mở”
theo hướng người xin trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc khoản 5 Điều 23 của Luật
quốc tịch chỉ cần đáp ứng các điều kiện sau thì được coi là “trường hợp đặc biệt”
để trình Chủ tịch nước xem xét quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam và giữ
quốc tịch nước ngoài (các điều kiện gồm: (1) Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch
Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam; (2) Việc xin giữ quốc tịch
nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật
của nước ngoài đó; (3) Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người
đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng; (4) Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để
gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm
hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
Có thể thấy,
quy định về “trường hợp đặc biệt” nêu trên tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cơ
quan có thẩm quyền trong giải quyết hồ sơ quốc tịch; tránh được tình trạng có
cách hiểu khác nhau, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.
Năm là, bổ sung vào Nghị định (Điều 11)
quy định chi tiết và hướng dẫn rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tư pháp
trong việc giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam (theo khoản 3 Điều 21 của
Luật quốc tịch Việt Nam).
Với tư cách là
cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm chính về
công tác quốc tịch, Bộ Tư pháp cần chủ động trong quá trình giải quyết hồ sơ quốc
tịch. Vì vậy, tiếp theo quy định tại Điều 9 Nghị định (về những trường hợp đặc
biệt), tại khoản 1 Điều 11 Nghị định quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp như
sau: “trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch
nước ngoài mà không có đủ giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp đặc biệt theo quy
định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định này, Bộ Tư pháp có văn bản thông báo cho Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh để yêu cầu người xin nhập quốc tịch tiến hành thôi quốc tịch
nước ngoài”. Nếu sau một thời gian nhất định (9 tháng) mà người đó không thôi
quốc tịch nước ngoài, thì Bộ Tư pháp sẽ trả lại hồ sơ.
Có thể thấy rằng,
Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều và biện pháp thi hành Luật quốc tịch Việt Nam đã khắc phục được những
vướng mắc, bất cập trong công tác quốc tịch thời gian qua; đồng thời, tạo cơ sở
pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết các loại việc về quốc tịch./.
Nguồn (moj.gov.vn)