Quy định mới về theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở địa phương
Ngày 21/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2021 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (gọi tắt là Thông tư số 04/2021/TT-BTP), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2021, bãi bỏ Chương 2, Chương 3 Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi thi hành pháp luật và khoản 2 Điều 2, khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14 tháng 12 năm 2018 quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Thông tư số 04/2021/TT-BTP quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở địa phương có một số nội dung mới như sau:
Thứ nhất, Xây dựng, ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Thông tư số 04/2021/TT-BTP quy định căn cứ Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành và thực tiễn thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của địa phương trước ngày 30 tháng 01 của năm kế hoạch, gửi về Bộ Tư pháp để theo dõi, tổng hợp.
Căn cứ Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp và thực tiễn thi hành pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của địa phương theo thời hạn quy định tại Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp.
Như vậy, Thông tư mới đã quy định hợp lý hơn về căn cứ và thời hạn ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật (trước đây quy định việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở tỉnh căn cứ Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước hàng năm và thực tiễn thi hành pháp luật; không quy định ban hành Kế hoạch ở cấp huyện, cấp xã). Việc ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan địa phương phải phù hợp với Kế hoạch của cấp trên. Do đó, Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các địa phương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BTP là sát với thực tiễn, góp phần đảm bảo tính khả thi, thống nhất trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư số 04/2021/TT-BTP cũng bổ sung quy định Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của UBND cấp huyện, UBND cấp xã ban hành phải gửi về Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để thuận lợi cho việc theo dõi, tổng hợp.
Thứ hai, Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật
Thông tư số 04/2021/TT-BTP quy định cụ thể, rõ ràng hơn về phạm vi trách nhiệm, nội dung và tổ chức thực hiện việc kiểm tra.
- Về phạm vi trách nhiệm kiểm tra ở địa phương: Thông tư số 04/2021/TT-BTP quy định Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý ở địa phương. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực trọng tâm, liên ngành ở địa phương.
Đặc biệt, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đảm bảo công tác kiểm tra được toàn diện, chặt chẽ hơn. Thông tư bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp kiểm tra tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý ở địa phương.
- Về nội dung kiểm tra: Thông tư số 04/2021/TT-BTP đã phân định rõ các nội dung kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chung và công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Cụ thể:
(i) Nội dung kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật;
(ii) Nội dung kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm của địa phương được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Thứ ba, Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật
Thông tư số 04/2021/TT-BTP đã bỏ bớt 01 nhóm đối tượng được điều tra, khảo sát quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BTP là “tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản pháp luật được lựa chọn điều tra, khảo sát”. Đối tượng chủ yếu được điều tra khảo sát theo Thông tư quy định có 02 nhóm gồm: (i) Tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực được lựa chọn điều tra, khảo sát; (ii) Các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về lĩnh vực được lựa chọn điều tra, khảo sát.
Việc bỏ quy định về đối tượng được khảo sát như Thông tư số 04/2021/TT-BTP đảm bảo tránh trùng lặp với quy định về hoạt động đánh giá tác động của chính sách trong quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư, Thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật
Thông tư số 04/2021/TT-BTP quy định rõ 05 nguồn thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật gồm: Báo cáo hành chính của cơ quan nhà nước; kết quả hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; các nguồn thông tin phù hợp khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ngoài các hình thức cung cấp thông tin theo quy định hiện hành như: gửi văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trực tiếp tại trụ sở tiếp công dân; qua Cổng/Trang Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, Thông tư còn bổ sung hình thức qua số điện thoại của cơ quan nhà nước, đường dây nóng; qua hòm thư điện tử và các hình thức cung cấp thông tin phù hợp khác nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp, tiếp nhận thông tin đảm bảo hiệu quả trong việc xử lý thông tin của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Thứ năm, Xem xét, đánh giá và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Trên cơ sở kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật và các nguồn thông tin khác, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật và tổng hợp vào báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hằng năm, gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Ủy ban nhân dân các cấp tiến hành các hoạt động xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 59/2012/NĐ-CP, khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2020/NĐ-CP.
Thứ sáu, Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Thông tư quy định 03 trường hợp báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật là: (i) báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật định kỳ hằng năm; (ii) báo cáo tình hình xử lý kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật (iii) báo cáo đột xuất, báo cáo theo chuyên đề về tình hình thi hành pháp luật.
Các loại báo cáo có mẫu ban hành kèm theo. Riêng báo cáo đột xuất, báo cáo theo chuyên đề về tình hình thi hành pháp luật, thực hiện nội dung báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.
Thứ bảy, Quy định về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Thông tư số 04/2021/TT-BTP đã quy định rõ tiêu chuẩn của cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hình thức huy động và ký hợp đồng với cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cụ thể:
- Về tiêu chuẩn, cá nhân được huy động tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: (i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kỷ luật, người đang chấp hành hình phạt, đang bị quản chế hành chính; (ii) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật hoặc đại học chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (iii) Có trình độ, kinh nghiệm công tác từ 03 năm trở lên trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp với công việc mà cơ quan theo dõi thi hành pháp luật yêu cầu.
- Về ký kết hợp đồng với cộng tác viên: Thông tư số 04/2021/TT-BTP quy định cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật ký hợp đồng theo từng vụ việc cụ thể với những cá nhân có đủ điều kiện quy định trên. Thù lao cho cộng tác viên theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chi trả thù lao cho cộng tác viên căn cứ vào các hoạt động, kết quả công việc mà cộng tác viên đã thực hiện theo quy định tại Thông tư này. Nội dung hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật và cộng tác viên tuân theo quy định của pháp luật về hợp đồng. Cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật và cộng tác viên có trách nhiệm thanh lý hợp đồng cộng tác sau khi kết thúc công việc và làm các thủ tục thanh quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành./.
Thông tin chi tiết xem tại Thông tư 04-2021-TT-BTP.pdf
Phòng QLXLVPHC&TDTHPL