Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính ngành Tư pháp
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh. Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi và nhận kết quả giải quyết hồ sơ của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ công chức các cơ quan hành chính nhà nước được phân công tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, cần tập trung vào giải pháp đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc xử lý các hồ sơ thủ tục hành chính.
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Sóc Trăng vào những ngày đầu tháng 2/2023, ở đây có đặt bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp. Nơi tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Sóc Trăng được trang bị đầy đủ trang thiết bị để phục vụ công việc.Các biểu mẫu, các văn bản hướng dẫn đều được đơn vị niêm yết công khai, minh bạch, thuận tiện cho công dân khi đến làm thủ tục.
Qua trao đổi, chuyên viên Võ Thanh Trúc, người trực tiếp giải quyết cấp phiếu lý lịch tư pháp cho biết, trung bình mỗi ngày, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận, hướng dẫn khoảng 15 lượt cá nhân, tổ chức đến xin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Khi đến đây làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp, người dân đều được hướng dẫn hoàn chỉnh các loại giấy tờ cần thiết theo đúng quy định. Nhìn về chiếc bàn đặt sẵn cạnh quầy, thấy có một thanh niên đang cặm cụi ngồi viết đơn xin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Qua trò chuyện được biết anh Nguyễn Văn Phát, ngụ ấp Tâm Thọ, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đến đây đề nghị xin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Anh Phát chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi đến đây xin cấp phiếu lý lịch tư pháp để đi xin việc. Khi đến đây, tôi được công chức Sở Tư pháp đưa cho mẫu đơn để viết, viết xong đơn kèm theo giấy căn cước công dân rồi gửi lại cho cán bộ trực quầy thì xong thủ tục cần thiết. Tôi nhận thấy, việc xin cấp giấy lý lịch tư pháp thủ tục hành chính ngày càng đơn giản và rút ngắn thời gian, ít tốn kém chi phí đi lại".
![](https://www.baosoctrang.org.vn/uploads/image/2023/02/10/155813IMG_2346.jpg)
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi và nhận kết quả giải quyết hồ sơ của các tổ chức, cá nhân. Ảnh: KIM NGỌC
Trong năm 2022, tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý tịch tư pháp trên 7.100 hồ sơ, số phiếu lý lịch tư pháp đã được cấp trên 6.855 trường hợp, tăng 3.440 trường hợp so với năm 2021. Thời gian qua, tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên 1.600 trường hợp và tăng lên theo từng năm.
Đồng chí Ngô Hải Bằng - Trưởng Phòng Hành chính - Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cho biết, với số lượng hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày một tăng, nhằm đảm bảo chủ trương rút ngắn tối thiểu thời gian giải quyết, đảm bảo yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân, ngành Tư pháp đã đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, phần mềm một cửa liên thông trong việc theo dõi quá trình tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết và trả kết quả sớm nhất cho người dân. Trước khi có phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh cấp kinh phí cho Sở Tư pháp xây dựng phần mềm lý lịch tư pháp để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đến nay, khi có phần mềm dùng chung, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp truyền dữ liệu từ phần mềm của sở sang phần mềm dùng chung. Nhờ đó, công tác quản lý lý lịch tư pháp được tốt hơn và đảm bảo kịp thời theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cài đặt phần mềm “Kiềng ba chân” trong thực hiện tra cứu, xác minh thông tin án tích để cấp phiếu lý lịch tư pháp tại địa phương. Việc sử dụng phần mềm quản lý lý lịch tư pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quản lý và trao đổi thông tin án tích...
Cũng theo Trưởng Phòng Hành chính - Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp Ngô Hải Bằng, việc ứng dụng phần mềm hộ tịch giảm rất nhiều thời gian cho công chức tư pháp - hộ tịch trong việc báo cáo thống kê số liệu định kỳ, in bản chính, trích lục hộ tịch; việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và việc sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp. Tỉnh cũng đã tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký hộ tịch trực tuyến và đã cung cấp các thủ tục hành chính thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch trên cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin được địa phương quan tâm nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Để đảm bảo công tác cập nhật, số hóa dữ liệu từ các sổ hộ tịch hoàn thành mục tiêu từng bước xây dựng và tạo lập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương tạo lập, cập nhật và hoàn thiện “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với hình thức thuê doanh nghiệp công nghệ thông tin để thực hiện cập nhật dữ liệu hộ tịch trên sổ giấy đang được lưu trữ, chuyển đổi dữ liệu hộ tịch điện tử hiện có tại các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Hiện nay, đã tiến hành triển khai được các đơn vị thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, huyện Long Phú, huyện Trần Đề và một số xã của huyện Kế Sách.
Đồng chí Phạm Tuân - Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng cho biết, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan ngành Tư pháp và chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp cho người dân, tổ chức. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong thời gian tới, ngành Tư pháp sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và sự thuận tiện của dịch vụ này. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phổ biến, hướng dẫn người dân, tổ chức truy cập, nộp hồ sơ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến thay thế cho cách thức thực hiện thủ tục hành chính công truyền thống...
KIM NGỌC
Nguồn: www.baosoctrang.org.vn