Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến ngày 12/6/2024 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 497 ca mắc sốt xuất huyết, 596 ca mắc tay chân miệng. Nhìn chung, bệnh nhân mắc bệnh đã phục hồi sức khỏe, trở lại học tập và làm việc sau thời gian điều trị bệnh. Tuy nhiên, hiện nay với điều kiện khí hậu đang vào mùa mưa rất thuận lợi cho một số loại bệnh truyền nhiễm phát triển. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt vắc xin trong thời gian gần đây, làm cho số lượng trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ tăng cao, làm tăng nguy cơ các bệnh truyền nhiễm có thể bảo vệ bằng vắc xin xuất hiện và lây lan trong cộng đồng. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế.
- Đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nâng lực cho lực lượng tham gia công tác giám sát và điều trị bệnh truyền nhiễm ở các tuyến.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là tại các khu vực đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa phương chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
- Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung cấp cứu điều trị bệnh nhân; xây dựng phương án tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khi ca mắc gia tăng không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh trên động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại,... kịp thời chia sẻ thông tin với ngành Y tế để triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm sang người.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, tiêm chủng vắc xin và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe; trong đó tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin, vận động người dân tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
4. Các sở, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với chặt chẽ với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đảm bảo kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý trong phòng, chống dịch bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc, chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh và ngành Y tế.
- Chỉ đạo thực hiện rà soát, thống kê trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm chủng đầy đủ để tổ chức tiêm bù, tiêm vét nhằm đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, không để xảy ra khoảng trống tiêm chủng trên địa bàn quản lý.
Đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Công văn này; trường hợp khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền thì báo cáo về Sở Y tế tổng hợp, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh./.
Hồng Vân