- Trình tự thực hiện:
* Bước 01: Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải
nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Trung
tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng hoặc tổ chức tham gia trợ giúp
pháp lý (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực
hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp; tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn
pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý).
* Bước
02: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, người tiếp nhận phải xem xét và trả lời ngay
cho người yêu cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện thụ lý hoặc phải bổ sung thêm giấy
tờ, tài liệu có liên quan. Trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ
nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi
kiện, sắp đến ngày xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp
pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc để tránh gây thiệt hại đến
quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận
yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thụ lý
ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu trợ giúp pháp lý bổ sung các giấy tờ,
tài liệu cần thiết.
* Bước 03: Tổ chức thực hiện trợ
giúp pháp lý từ chối thụ lý và thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người yêu
cầu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý không phải là vụ việc cụ thể
liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp
lý và không phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý;
+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;
+ Người được trợ giúp pháp lý đã chết;
+ Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý
khác thụ lý, giải quyết.
- Cách thức thực hiện:
+ Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở
của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu
chính;
+ Gửi hồ sơ qua fax, hình thức
điện tử.
* Lưu ý:
Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực
hiện như sau:
+
Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý:
người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, giấy tờ, tài
liệu có liên quan đến vụ việc và xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng
thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
Trong
trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn thì người
tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc
đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.
+
Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp
đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc và bản
sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
+
Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ
giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp
bản sao có chứng thức giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
- Thành phần, số lượng hồ sơ:
+ Đơn
yêu cầu trợ giúp pháp lý;
+ Giấy
tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 33, Thông tư số
08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một
số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp
pháp lý.
+ Các
giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Thời hạn giải quyết hồ sơ: Ngay sau
khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, người tiếp nhận yêu cầu phải kiểm tra các nội
dung có liên quan đến yêu cầu trợ giúp pháp lý và trả lời ngay cho người yêu
cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện để thụ lý hoặc phải bổ sung giấy tờ, tài liệu có
liên quan.
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người
yêu cầu trợ giúp pháp lý
- Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Trung
tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng; tổ chức hành nghề luật sư, tổ
chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc đăng ký tham
gia trợ giúp pháp lý.
- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Vụ việc
được thụ lý.
- Phí, lệ phí: Không.
- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn yêu
cầu trợ giúp pháp lý (Mẫu
số 02-TP-TGPL ban hành
kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ Tư pháp)
- Yêu cầu điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
+ Người
được trợ giúp pháp lý có thể tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu
cầu trợ giúp pháp lý;
+ Vụ việc
trợ giúp pháp lý liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người
được trợ giúp pháp lý;
+ Vụ việc
trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 26
của Luật Trợ giúp pháp lý;
+ Vụ việc
trợ giúp pháp lý thuộc lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý quy định tại Điều
27 của Luật Trợ giúp pháp lý;
+ Vụ việc
trợ giúp pháp lý không thuộc trường hợp phải từ chối theo quy định tại khoản 3,
Điều 30 của Luật Trợ giúp pháp lý.
- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
+ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;
+ Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày
15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ
giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
+ Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 cùa Bộ Tư pháp về việc hướng
dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc
trợ giúp pháp lý.