Hướng dẫn xử lý kỷ luật vi phạm hành chính theo Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ
      Ngày 12/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt là Nghị định số 19). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 31/3/2020, riêng đối với các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020

Nghị định số 19 gồm 5 Chương, 31 Điều, quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật (THPL) về xử lý vi phạm hành chính (VPHC), xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong THPL về xử lý VPHC. Đối tượng áp dụng là cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra tình hình THPL về xử lý VPHC; cơ quan quản lý công tác THPL về xử lý VPHC; Thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền xử lý VPHC, Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền xử lý VPHC; Người có thẩm quyền xử lý VPHC, người có thẩm quyền lập biên bản VPHC; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc THPL về xử lý VPHC.

Theo Nghị định số 19, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra công tác THPL về xử lý VPHC đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ và e  khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 19 trong phạm vi địa bàn quản lý của mình. Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện kiểm tra.

Mục đích kiểm tra, xử lý kỷ luật trong THPL về xử lý VPHC nhằm xem xét, đánh giá tình hình THPL về xử lý VPHC; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý VPHC; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong THPL về xử lý VPHC để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục...

Bên cạnh đó, phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong THPL về xử lý VPHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý VPHC.

Đồng thời, phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý VPHC hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Việc kiểm tra, xử lý kỷ luật trong THPL về xử lý VPHC phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Phải bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, không trùng lặp với hoạt động thanh tra, kiểm tra khác đối với một đơn vị trong cùng thời gian; không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra. Kết hợp giữa việc tự kiểm tra của đối tượng được kiểm tra với việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.

Kết luận kiểm tra phải được đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chấp hành đầy đủ và đúng thời hạn. Các sai phạm, kiến nghị, yêu cầu trong kết luận kiểm tra phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng việc và tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm.

Kết luận kiểm tra phải được người có thẩm quyền kiểm tra theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Điểm nổi bật của Nghị định số 19 là Điều 22 của Nghị định quy định 19 nhóm hành vi vi phạm trong THPL về xử lý VPHC. Để làm rõ hơn các quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong THPL về xử lý VPHC. Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn làm rõ hơn về 19 nhóm hành vi được quy định tại Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật để tham khảo trong quá trình tham mưu xử lý kỷ luật VPHC.

Về hành vi thứ nhất sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.

Trong quá trình xử phạt VPHC thì khâu đầu tiên là khâu phát hiện hành vi và lập biên bản VPHC. Nếu trong quá trình phát hiện hành vi hoặc lập biên bản mà có dấu hiệu tội phạm (Tội phạm ở đây phải được quy định trong Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc giữ lại để ban hành quyết định xử phạt VPHC không chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Ví dụ: Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên (Khoản 22, Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi Điều 25 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP) thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Nếu người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc giữ lại vụ việc để ban hành quyết định xử phạt VPHC thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Nhóm hành vi thứ hai sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.

Nhóm hành vi thứ ba sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Không xử phạt vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật.

- Không xử phạt VPHC được hiểu như thế nào? Trong trường hợp phát hiện hành vi VPHC mà không lập biên bản (trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính) hoặc đã lập biên bản mà không ban hành quyết định xử phạt VPHC dẫn đến hết thời hạn, thời hiệu xử phạt VPHC thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

- Không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Trong trường hợp các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan quy định ngoài việc phạt tiền thì còn quy định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả mà người có thẩm quyền xử phạt chỉ phạt tiền mà không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Ví dụ: Trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi lấn, chiếm đất thì ngoài việc bị phạt tiền còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc trả lại đất lấn, chiếm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được trong quá trình lấn, chiếm đất. Trong trường hợp này ngoài việc phạt tiền thì người có thẩm quyền xử phạt VPHC phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên. Nếu không áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Nghị định về xử phạt VPHC thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Nhóm hành vi thứ tư sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng theo quy định pháp luật.

- Thế nào là áp dụng không kịp thời? Theo quy định tại Điều 66 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối với quyết định xử phạt VPHC trong trường hợp đơn giản, không xác minh thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản VPHC, người có thẩm quyền xử phạt VPHC phải ban hành quyết định xử phạt VPHC, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có). Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn gia hạn bằng văn bản không được quá 30 ngày (tức là không quá 60 ngày). Quá thời hạn nêu trên mà không ra quyết định xử phạt sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật do ban hành không kịp thời. Hoặc đối với trường hợp đã hết thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định xử phạt VPHC (trong một số lĩnh vực thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm hoặc 02 năm) mà người có thẩm quyền xử phạt VPHC phát hiện hành vi vi phạm nhưng để quá lâu không ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Ví dụ: Trong lĩnh vực xây dựng, đất đai,… thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm, nếu quá thời hạn 02 năm này không ban hành quyết định xử phạt VPHC, nhưng có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dở công trình vi phạm. Người có thẩm quyền xử phạt VPHC để quá lâu không ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

- Trong trường hợp ban hành quyết định mà không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng của Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định quy định thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Ví dụ: Luật xử lý vi phạm hành chính quy định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình khung tiền phạt (Khoản 4, Điều 23), nếu không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có tình tiết tăng nặng mà người có thẩm quyền xử phạt áp dụng mức tiền phạt giảm hơn mức trung bình khung thì được xem là ban hành quyết định xử phạt không nghiêm minh; Trường hợp không đúng thẩm quyền như: Hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt VPHC của Chủ tịch UBND cấp huyện nhưng Chủ tịch UBND cấp xã lại ban hành quyết định xử phạt VPHC hoặc trường hợp không đúng đối tượng như: Tổ chức VPHC nhưng người có thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân VPHC ….

Nhóm hành vi thứ năm sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.

Đây là nhóm hành vi thường xảy ra sai sót trong quá trình xử lý VPHC. Khi  xử phạt VPHC phải nắm rõ các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền đối với trường hợp phạt tiền theo quy định tại Điều 21, khoản 4, Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính quy định nhiều biện pháp khắc phục hậu quả đối với một hành vi vi phạm thì phải áp dụng tất cả các biện pháp khắc phục hậu quả cho hành vi vi phạm hành chính đảm bảo nguyên tắc đúng và đầy đủ. Trong quá trình áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải căn cứ vào thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt, có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hay không? Nếu không có thẩm quyền mà ban hành quyết định xử phạt thì cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Ví dụ: Trong lĩnh vực lấn, chiếm đất chưa sử dụng, mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt nhưng đối chiếu vào biện pháp buộc khắc phục hậu quả theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì trường hợp này có 03 biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền áp dụng nhưng đối với biện pháp buộc trả lại đất lấn chiếm hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được trong quá trình lấn, chiếm đất thì 02 biện pháp này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện. Do đó, nếu Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sẽ không đúng thẩm quyền đối với hành vi VPHC.

Hành vi thứ sáu sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.

Từ ngày 01/7/2020 người nào lợi dụng ảnh hưởng của mình can thiệp vào việc xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật (như hành vi gọi điện thoại can thiệp…).

Hành vi thứ bảy sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Nhóm hành vi thứ tám sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Hành vi thứ chính sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Giả mạo có thể là giả mạo việc lập biên bản vi phạm hành chính, giả mạo các biên bản hiện trường, các biên bản sự việc, làm sai lệch hồ sơ về các mức hành vi (có thể hành vi thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện nhưng sửa lại diện tích đất vi phạm… trong biên bản cho hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã để Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định xử phạt) hoặc sửa lại hồ sơ xử phạt từ hình sự chuyển qua hành chính…

Khoản 10 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định những hành vi bị nghiêm cấm thì: Cấm Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Như vậy để làm rõ quy định nêu trên cần hiểu Hồ sơ là gì? Hồ sơ xử phạt VPHC gồm những hồ sơ nào? Vì sao phải lưu trữ hồ sơ xử phạt?...

- Hồ sơ là gì?

Theo quy định Khoản 14 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư thì: “Hồ sơ” là tập hợp các văn bản, tài liệu có liên quan với nhau về một vấn đề, một sự việc, một đối tượng cụ thể hoặc có đặc điểm chung, hình thành trong quá trình theo dõi, giải quyết công việc thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính gồm những hồ sơ nào?

Theo Quy định Khoản 2 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì hồ sơ xử phạt hành chính đối với trường hợp có lập biên bản xử phạt VPHC như sau:

Việc xử phạt VPHC có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt VPHC. Hồ sơ bao gồm biên bản VPHC, quyết định xử phạt VPHC, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.

Các tài liệu khác có thể là:

+  Biên bản giải trình theo Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:

“Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ thì các bên phải ký vào từng tờ biên bản. Biên bản này phải được lưu trong hồ sơ xử phạt VPHC và giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ 01 bản.

+ Biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính:

Theo Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh. Việc xác minh tình tiết của vụ việc VPHC phải được thể hiện bằng văn bản.

+ Quyết định sửa đổi, bổ sung, văn bản đính chính quyết định hành chính:

Theo Khoản 4 Điều 6a Nghị định 81/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì: Quyết định sửa đổi, bổ sung, văn bản đính chính quyết định về xử lý vi phạm hành chính là những văn bản gắn liền với quyết định về xử lý VPHC đã được ban hành và được lưu trong hồ sơ xử lý VPHC.

+ Thông báo về thời gian cưỡng chế VPHC; thông báo nhận lại tài sản trong trường hợp cá nhân/ tổ chức không nhận tài sản không thuộc đối tượng bị cưỡng chế theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế vi phạm hành chính.

Tóm lại:  Các loại tài liệu khác có thể là: biên bản bàn giao, niêm yết quyết định xử phạt, biên lai thu tiền phạt, niêm yết quyết định cưỡng chế (trường hợp họ không chấp hành), giấy mời làm việc với đối tượng, biên lai gửi các biên bản, quyết định xử phạt qua đường bưu điện, văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định xử phạt VPHC…. Các hồ sơ này phải được đánh bút lục theo số thứ tự 1, 2, 3… để thuận lợi cho việc tra cứu.

Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

- Vì sao phải lưu trữ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính?

Mục đích của việc quy định lưu trữ hồ sơ xử phạt VPHC nhằm thực hiện tốt công tác lưu trữ hồ sơ xử phạt hành chính, phục vụ dùng để làm căn cứ để xem xét tình tiết tăng nặng (vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm), xem xét thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, xem xét thời hạn hiệu xử lý vi phạm hành chính; hoặc làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự…

Ví dụ: Một số trường hợp cần có hồ sơ xử phạt hành chính

* Trong lĩnh vực đất đai: Đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo Điểm a, g, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 thì: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp:

Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt VPHC về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm. 

Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt VPHC mà không chấp hành…

Như vậy, để thực hiện được thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai thì phải có hồ sơ chứng minh đã bị xử phạt VPHC.

* Trong lĩnh vực hình sự: Trong các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình quy định tại các Điều 181, 182, 183, 185, 186 đều có quy định tình tiết “Đã bị xử phạt VPHC về hành vi này mà còn vi phạm”, do đó cần phải có hồ sơ xử phạt VPHC để chứng minh.

Tóm lại: Hồ sơ xử phạt VPHC đối với trường hợp có lập biên bản bắt buộc phải có biên bản VPHC, quyết định xử phạt VPHC, các tài liệu, giấy tờ có liên quan ở đây gồm: Biên bản bàn giao biên bản VPHC, biên bản bàn giao quyết định xử phạt VPHC, quyết định cưỡng chế, biên bản bàn giao quyết định cưỡng chế, biên bản làm việc, biên bản xác minh tình tiết vi phạm, biên bản bàn giao biên bản xác minh…

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân làm sai lệch hồ sơ xử phạt VPHC sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Hành vi thứ mười sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra.

Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định trách nhiệm kiểm tra trong công tác xử lý VPHC thì Nghị định 19/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể trong trường hợp cơ quan bị kiểm tra mà cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Hành vi thứ mười một sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra.

Hành vi thứ mười hai sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra.

Hành vi thứ mười ba sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Tiết lộ thông tin, tài liệu về kết luận kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức.

Hành vi thứ mười bốn sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Không thực hiện kết luận kiểm tra.

Trong kết luận kiểm tra sẽ có yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải chấp hành kết luận kiểm tra mà cơ quan không chấp hành sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Hành vi thứ mười lăm sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra.

Nhóm hành vi thứ mười sáu sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện.

Quy định này giúp cho việc ban hành quyết định xử phạt VPHC cũng như hiệu quả của việc xử phạt được nâng lên. Do trước đây quyết định xử phạt VPHC đã ban hành rồi hầu như không có cơ quan nào theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt VPHC, cũng chưa có ai bị xử phạt, bị kỷ luật liên quan đến việc không chấp hành quyết định xử phạt, dẫn đến rất nhiều quyết định xử phạt sau khi ban hành cá nhân, tổ chức không chấp hành hoặc chỉ chấp hành phạt tiền mà không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng ban đầu, tháo dỡ công trình vi phạm… dẫn đến hiệu lực, hiệu quả trong xử lý vi phạm hành chính thấp. Kể từ ngày 01/7/2020, đối với trường hợp cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt mà không ban hành văn bản đôn đốc, không kiểm tra tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ hoặc đôn đốc người vi phạm nộp phạt, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật. Hành vi này diễn ra rất phổ biến đối với các quyết định xử phạt VPHC.

Như vậy, khi được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt VPHC. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ phải thường xuyên có văn bản đôn đốc, nhắc nhở cá nhân, tổ chức vi phạm để chấp hành quyết định xử phạt. Nếu không chấp hành thì tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo theo dõi, đôn đốc hoặc cưỡng chế thi hành để tránh trường hợp bị xem xét xử lý kỷ luật.

Nhóm hành vi thứ mười bảy sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính.

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ mới có thẩm quyền ban hành các quy định này. Do đó, nếu các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện tự ý ban hành văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Hành vi thứ mười tám sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra.

Hành vi thứ mười chín sẽ bị xem xét kỷ luật đó là: Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính.

Khi cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC có khiếu nại, tố cáo thì cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ phải giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo. Nếu để quá thời hạn mà không xử lý hoặc xử lý không kịp thời sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Tóm lại:

- Theo quy định của Nghị định số 19. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về xử lý VPHC thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo 06 hình thức như: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc được quy định từ Điều 24 đến Điều 29 của Nghị định.

- Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong THPL về xử lý VPHC được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức. Trong đó, thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.

Việc xem xét, tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật cũng được áp dụng trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do hoàn cảnh khách quan hoặc do lỗi của đối tượng VPHC.

- Trong quá trình tham mưu xử lý VPHC phải hết sức lưu ý là bên cạnh việc ban hành các quyết định xử lý VPHC thì còn phải xem thẩm quyền xử phạt; nguyên tắc xử phạt, nguyên tắc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; trường hợp nào thì xử lý VPHC, trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự, không giữ lại các vụ việc có dấu hiệu hình sự để xử phạt VPHC. Đồng thời cũng phải ban hành các văn bản đôn đốc, nhắc nhở chấp hành quyết định xử phạt…

Trên đây là một số nội dung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình THPL về xử lý VPHC theo quy định của Nghị định 19/2020/NĐ-CP./.

                                                                                                                           Phòng QLXLVPHC&TDTHPL

Thông báo mới




No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
THƯ VIỆN VIDEO
Hoạt động truyền thông giáo dục về bạo lực gia đình và tảo hôn
  • Hoạt động truyền thông giáo dục về bạo lực gia đình và tảo hôn (04/06/2024)
  • Hoạt động hòa giải cơ sở (04/06/2024)
  • Thông tin, tuyên truyền về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và các Ngành Tư pháp tỉnh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 (02/04/2024)
1 2 3 4 5  ... 
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 3541231