Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo đó, Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030; triển khai thực hiện các dự án quan trọng, ưu tiên và kế hoạch sử dụng đất như sau:
Các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030
1. Hoàn thiện thể chế, chính sách
- Rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các luật khác liên quan.
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng bờ, giao khu vực biển, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhằm bảo đảm khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
- Rà soát các quy hoạch ngành quốc gia để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh nếu có nội dung mâu thuẫn với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và Quy hoạch không gian biển quốc gia; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan phù hợp với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng, vận hành khu bảo tồn biển và các quy định hỗ trợ người dân trong khu bảo tồn biển chuyển đổi sinh kế theo hướng bền vững.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình sinh thái, xanh, tuần hoàn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thông minh, các khu công nghiệp, khu kinh tế xanh, tuần hoàn để giảm chất thải vào môi trường biển.
- Đẩy nhanh xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ ở cấp địa phương và liên tỉnh theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Sớm hoàn thành phân định ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính".
- Nghiên cứu xây dựng và áp dụng thí điểm các chính sách khuyến khích, ưu đãi cao hơn chính sách đang thực hiện đối với các khu vực đặc biệt khó khăn trong những vùng có chức năng kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung thu hút phát triển các ngành kinh tế có lợi thế ở vùng ven biển.
2. Triển khai phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên và phát triển các ngành kinh tế biển ở vùng bờ
- Tổ chức thực hiện phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
- Hoàn thành việc thiết lập và cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
- Triển khai hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ưu tiên nguồn lực triển khai Đề án phát triển bền vững du lịch, dịch vụ biển và hải đảo Việt Nam đến năm 2030 theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2024.
- Xây dựng và triển khai Đề án xây dựng, phát triển một số đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Điều tra, đánh giá tài nguyên vùng bờ phục vụ nhu cầu bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội
- Khảo sát, điều tra, đánh giá và xác định các khu vực có thể lấn biển để phát triển bền vững, thịnh vượng vùng bờ Việt Nam theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030 để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam theo Quyết định số 1539/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
- Điều tra, đánh giá và xác định các khu vực khai thác cát biển trên cơ sở các khu vực tiềm năng khai thác vật liệu xây dựng đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Đánh giá và phục hồi hiệu quả các sinh cảnh quan trọng bị suy thoái, phá hủy, đặc biệt là các rạn san hô, rừng ngập mặn; các loài hoang dã nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng; các nguồn gen bản địa quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao.
- Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên biển và hải đảo đến năm 2030 theo Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng bờ
- Đẩy nhanh triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ về phát triển cơ sở hạ tầng ven biển đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch khác liên quan, nhất là hệ thống cảng cá, cảng biển, hệ thống giao thông kết nối cảng biển với nội địa, hệ thống đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa và dịch vụ logistics gắn với phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và vận tải biển.
- Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển đa mục tiêu, đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các quy hoạch ngành quốc gia liên quan đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ về phát triển thông tin liên lạc biển, hạ tầng kinh tế số vùng ven biển theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo và vùng bờ; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo quốc gia tập trung, thống nhất.
- Triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ cấp bách trong Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 theo Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng và triển khai Đề án nâng cao mức sống và bảo đảm sinh kế cho người dân ở dải ven biển Việt Nam theo hướng chuyển đổi nghề từng bước và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển.
5. Bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
- Thống kê, đánh giá nguồn ô nhiễm và phân vùng rủi ro ô nhiễm vùng biển ven bờ; xây dựng và hoàn chỉnh các trạm quan trắc môi trường tự động tại các vùng cửa sông, vùng biển ven bờ.
- Rà soát, đánh giá và phục hồi các khu vực bờ biển bị khai thác không phù hợp với chức năng của các vùng sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
- Đẩy mạnh việc triển khai Đề án tăng cường năng lực và trang thiết bị dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Tăng cường nâng cao ý thức, nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển trong bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo vệ môi trường, các loài sinh vật biển, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng bờ thông qua việc triển khai Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ ở cấp địa phương và liên tỉnh.
6. Ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường phát triển nguồn nhân lực
- Đẩy mạnh việc triển khai Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 48//NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Ưu tiên nguồn lực để triển khai Đề án tăng cường năng lực đào tạo đại học và sau đại học về biển và hải đảo theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; nghiên cứu mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực ven biển, hải đảo theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Triển khai thực hiện Đề án tăng cường năng lực và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đến năm 2030 theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về triển khai thực hiện các dự án quan trọng, ưu tiên
1. Nguyên tắc xác định nguồn vốn sử dụng để thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong Kế hoạch này
- Nguyên tắc xác định sử dụng vốn đầu tư công
Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, có quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên ngành có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, nút thắt đối với các vùng biển, ven biển và hải đảo.
Phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công để thúc đẩy, thu hút nguồn lực xã hội tham gia các công trình đầu tư, đặc biệt các ngành kinh tế biển, cơ sở dữ liệu số hoá về biển và hải đảo, bảo đảm tính tích hợp, cập nhật và chia sẻ.
- Nguyên tắc xác định sử dụng vốn ngoài đầu tư công
Bảo đảm nguồn vốn cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; các dự án quản lý, khai thác tài nguyên biển, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển, quốc phòng, an ninh.
Tập trung cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; điều tra, đánh giá các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; các mô hình, giải pháp tích hợp kinh tế, sinh thái, môi trường và quốc phòng, an ninh để phát triển bền vững vùng ven biển và hải đảo; hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
2. Danh mục các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên thực hiện đến năm 2030 dự kiến triển khai
Danh mục các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chi tiết tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.
Kế hoạch sử dụng đất
Hoạt động sử dụng đất ven biển và trên các hải đảo trong phạm vi của Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được thực hiện theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 và điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 và Quyết định số 227/QĐ- TTg ngày 12 tháng 3 năm 2024; phù hợp với định hướng trong phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ quy định tại Điều 1 Quyết định số 1117/QĐ-TTg ngày 07 tháng 10 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Tấn Hòa