Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản trái pháp luật
Thông qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện và chủ động xử lý hoặc kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý văn bản trái pháp luật. Là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, nhạy cảm nhưng nguồn lực dành cho công tác này còn chưa tương xứng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.
Triển khai nhiều hoạt động về kiểm tra, xử lý văn bản
PV: Thực hiện thẩm quyền kiểm tra theo quy định, thời gian qua, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã tăng cường kiểm tra VBQPPL bằng nhiều phương thức khác nhau. Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về kết quả, chất lượng công tác kiểm tra VBQPPL, đặc biệt là công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền?
Thứ trưởng:
Thực hiện quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), trong thời gian qua, các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương cơ bản đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động về kiểm tra, xử lý văn bản. Cụ thể như: Thực hiện tự kiểm tra các văn bản do mình ban hành; kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn bản thuộc thẩm quyền; thực hiện kiểm tra văn bản theo các chuyên đề, lĩnh vực khi Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện theo yêu cầu. Qua kiểm tra, các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương cũng đã phát hiện và chủ động xử lý hoặc kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý văn bản trái pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại một số Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, hoạt động kiểm tra văn bản chưa thực sự hiệu quả, chưa triển khai đầy đủ các phương thức kiểm tra văn bản theo thẩm quyền hoặc vẫn còn tình trạng Bộ Tư pháp kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý đối với văn bản đã được các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tự kiểm tra trước đó; hoặc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền nhưng không phát hiện văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra trái pháp luật.
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PV: Kiểm tra VBQPPL là lĩnh vực có tính chất khó khăn, phức tạp, “nhạy cảm”, dễ “va chạm”. Thông qua những cuộc kiểm tra liên ngành, theo Thứ trưởng, nguồn lực mà các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương bố trí đã tương xứng với tầm quan trọng của công tác này chưa?
Thứ trưởng:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật ngày càng cao, trong khi số lượng cán bộ trực tiếp tham gia công tác kiểm tra văn bản pháp luật còn ít về số lượng; năng lực, kỹ năng thực hiện nghiệp vụ có mặt còn hạn chế; kinh phí mặc dù đã được lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương quan tâm bố trí nhưng mức chi theo quy định còn thấp; đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản chưa được quan tâm xây dựng, hoàn thiện...
Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra văn bản với tính chất khó khăn, phức tạp, “nhạy cảm”, dễ “va chạm”, đòi hỏi sự đầu tư các nguồn lực tương xứng để đáp ứng yêu cầu của công tác này. Thông qua các cuộc kiểm tra liên ngành, Bộ Tư pháp nhận thấy, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế nói chung, công tác kiểm tra văn bản nói riêng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quan tâm, bố trí kinh phí thoả đáng, đáp ứng yêu cầu cho công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao…
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại Thanh tra Chính phủ.

Chất lượng tự kiểm tra chưa bao quát, toàn diện
PV: Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng nhận thấy đâu là những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong công tác kiểm tra VBQPPL?
Thứ trưởng:
Mặc dù công tác kiểm tra văn bản thời gian gần đây đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, khách quan cho thấy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác này. Cụ thể như: Tình trạng chất lượng tự kiểm tra chưa bao quát, toàn diện hoặc cơ quan cấp bộ chưa chú trọng thường xuyên kiểm tra theo thẩm quyền đối với VBQPPL do bộ khác và địa phương (cấp tỉnh) ban hành có nội dung liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của mình, cá biệt còn tồn tại một số cơ quan chưa tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền.
Tại một số cơ quan cấp bộ và địa phương, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật chưa kịp thời, đầy đủ; hiện vẫn còn trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp phát hiện, kết luận, kiến nghị, đôn đốc xử lý, nhưng cơ quan ban hành chậm xử lý theo quy định, có thể dẫn đến hệ quả tiềm ẩn tác động tiêu cực đến xã hội. Việc tổ chức các đoàn kiểm tra của các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương về kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL chưa thực hiện hiệu quả theo yêu cầu quản lý nhà nước về các công tác này…
Đây là những vấn đề rất cần quan tâm, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để xử lý trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
 
Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại tỉnh Ninh Thuận.

Kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong xây dựng pháp luật
PV: Thời gian tới, xin Thứ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra VBQPPL, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta?
Thứ trưởng:
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra VBQPPL, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế trong thực hiện nhiệm vụ công tác tại các cấp, các ngành, địa phương; tiếp tục quán triệt “tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý VBQPPL trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật; trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/3/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này, thông qua các hoạt động như: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý VBQPPL; tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; theo dõi chặt chẽ tình hình, tiến độ xử lý văn bản trái pháp luật sau khi kết luận, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý văn bản trái pháp luật theo thẩm quyền; tăng cường cơ chế, phương thức tiếp nhận, xử lý các thông tin báo chí, dư luận xã hội, người dân, doanh nghiệp phản ánh về văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật để kịp thời kiểm tra, xử lý...
Thứ ba, chú trọng kiểm tra VBQPPL theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn gắn với các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2024; yêu cầu, giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý VBQPPL. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL và trường hợp ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn bảo đảm đúng quy định; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Với HĐND các tỉnh, cần tăng cường hơn nữa việc giám sát tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL trên địa bàn; các Ban của HĐND tỉnh tăng cường hơn nữa tính chủ động, tích cực trong phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, thẩm tra, ban hành VBQPPL, nhất là nhiệm vụ thẩm tra dự thảo VBQPPL theo thẩm quyền.
Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL; kịp thời phát hiện, tự xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật, không để xảy ra trường hợp văn bản trái pháp luật gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Chỉ đạo, đôn đốc xử lý dứt điểm các văn bản có quy định trái pháp luật đã phát hiện, kết luận qua công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền và các văn bản có quy định trái pháp luật do mình ban hành đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kết luận. Các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, thông tin đầy đủ, kịp thời đến Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan mình.
Thứ năm, chú trọng củng cố, kiện toàn, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình của các tổ chức pháp chế; xây dựng, xác định rõ vị trí việc làm cho cán bộ pháp chế; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương; bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ pháp chế nhằm thu hút những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao công tác trong lĩnh vực này.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn: www.moj.gov.vn
Thông báo mới




No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
THƯ VIỆN VIDEO
Hoạt động truyền thông giáo dục về bạo lực gia đình và tảo hôn
  • Hoạt động truyền thông giáo dục về bạo lực gia đình và tảo hôn (04/06/2024)
  • Hoạt động hòa giải cơ sở (04/06/2024)
  • Thông tin, tuyên truyền về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và các Ngành Tư pháp tỉnh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 (02/04/2024)
1 2 3 4 5  ... 
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 3372684