Thực hiện chương trình công tác năm và được sự nhất trí của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024 dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và sự điều hành của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện. Tham dự Hội nghị có sự tham gia của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và toàn thể công chức của Thanh tra Bộ Tư pháp.
Nhằm đánh giá công tác năm 2023, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Tạ Thị Tài báo cáo trước hội nghị báo cáo tóm tắt tổng kết công tác thanh tra năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp công tác năm 2024 của Thanh tra Bộ Tư pháp. Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Đặng Minh Quân quán triệt trước hội nghị Quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tại phần thảo luận, Trưởng các phòng chuyên môn của Thanh tra Bộ Tư pháp báo cáo trước hội nghị các kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng hành cùng với những kết quả đạt được trong năm, tập thể công chức của các phòng cũng gặp một số khó khăn nhất định về tình hình biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong quá trình thực hiện công việc. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của công chức Thanh tra Bộ Tư pháp cùng sự động viên kịp thời của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Thanh tra đã thúc đẩy sự thành công trong công việc và sự đoàn kết hướng tới nhiệm vụ, mục tiêu chung của đơn vị.
Cũng tại Hội nghị, các đơn vị tham dự cũng đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả đạt được trong năm 2023 của Thanh tra Bộ Tư pháp. Trong năm 2024, các đơn vị sẽ cố gắng phối hợp với Thanh tra Bộ Tư pháp nhuần nhuyễn hơn nữa để nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thành các nhiệm vụ chung của Bộ, ngành.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận những kết quả đạt được của tập thể Lãnh đạo, công chức Thanh tra Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, để công tác trong năm 2024 và các năm tiếp theo được nâng cao hơn nữa, Thứ trưởng lưu ý một số nội dung:
Thứ nhất, việc triển khai Kế hoạch thanh tra phải thông báo kịp thời cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra để có thời gian chuẩn bị và đồng bộ Kế hoạch công tác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó. Các phòng chuyên môn phải xây dựng kế hoạch công tác cụ thể để tránh bị động đối với các nhiệm vụ đột xuất.
Thứ hai, Bộ Chính trị có ban hành Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Thanh tra Bộ Tư pháp cần coi đây là giải pháp trong công tác thanh tra. Đồng thời có kế hoạch cụ thể, có thể xây dựng thành cẩm nang trong hoạt động thanh tra. Thông qua việc xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể giúp nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn nghiệp vụ.
Thứ ba, đề nghị Thanh tra Bộ rà soát kết quả thực hiện Kết luận số 64-KL/BCSĐ ngày 29/6/2023 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp Kết luận của Ban cán sự đảng tại buổi làm việc với Thanh tra Bộ Tư pháp về công tác thanh tra giai đoạn 2019 đến Quý I năm 2023 và công tác trọng tâm năm 2023. Thanh tra Bộ cần thường xuyên rà soát và có báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tình hình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra hơn nữa. Kết luận thanh tra cần tập trung ban hành đúng quy định pháp luật, phù hợp thực tiễn, có tính thuyết phục, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra và các bên liên quan. Các kết luận thanh tra có thể làm cơ sở để trao đổi chuyên môn nghiệp vụ và làm chuyên đề sinh hoạt trong Chi bộ. Việc ban hành kết luận thanh tra đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Dự thảo kết luận thanh tra cần được bảo mật trước khi ban hành và kiểm soát việc cung cấp thông tin trong nội dung kết luận thanh tra.
Thứ năm, trong công tác tiếp công dân cần quan tâm đến chất lượng trong việc tiếp dân tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp, cảnh quan và cơ sở vật chất cần được chú trọng hơn nữa. Việc thực hiện tiếp công dân cần lưu ý: (1) tôn trọng người dân trước, trong và sau khi tiếp; (2) tận tình, chu đáo với người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; (3) đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân về thông tin cá nhân, quá trình tiếp nhận thông tin; (4) có trách nhiệm trong việc tiếp công dân, không đùn đẩy trách nhiệm. Về công tác xử lý đơn thư nhất là các đơn thư do các cơ quan Trung ương, các ban Đảng chuyển đến cần có sự phân loại, hệ thống hoá việc xử lý đơn thư và phối hợp trả lời với cơ quan có đơn chuyển đến lúc cần thiết.
Sáu là, đối với nhiệm vụ giúp việc cho Bộ trưởng là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên và cần được theo dõi sát sao. Việc tham mưu đảm bảo đúng thời hạn, giúp nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Chính phủ.
Bảy là, triển khai nhiệm vụ kiểm toán nội bộ. Đây là nhiệm vụ mới cần có nghiên cứu kinh nghiệm của các Bộ, ngành để xây dựng kế hoạch thực hiện và công tác bồi dưỡng cho công chức thực hiện nhiệm vụ được cụ thể.
Tám là, chăm lo đời sống của công chức, giữ gìn đoàn kết trong đơn vị, giao nhiệm vụ căn cứ trên năng lực, sở trường công tác.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý việc phát ngôn phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Bộ Tư pháp là cơ quan “gác gôn” về pháp luật, mỗi đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ chung Bộ và của toàn ngành Tư pháp.
Kết thúc hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và bế mạc hội nghị./.
*Một số hình ảnh tại Hội nghị
Thanh tra Bộ Tư pháp
Nguồn: thanhtra.moj.gov.vn